Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm ba hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đứng sau Indonesia và Singapore.

Các bạn trẻ làm việc tại Không gian sáng tạo Creative Labby Up (số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: THU HÀ
Các bạn trẻ làm việc tại Không gian sáng tạo Creative Labby Up (số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: THU HÀ

Theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á-Tiếng gầm thập kỷ 20: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 10/11/2021, dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021, đạt mức cao kỷ lục, xấp xỉ 1,37 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục. Vì thế, tiếp tục thúc đẩy xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo hấp dẫn, “vườn ươm” của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia với mục tiêu thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo, tính mở và tính liên kết sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời tạo động lực phát triển nền kinh tế. Để làm được điều này, không chỉ cần phát huy nội lực trong nước mà còn cần thúc đẩy kết nối các nguồn lực dồi dào từ đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân... ở nước ngoài. Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Việt Nam hiện có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước; hơn 500 nghìn chuyên gia, trí thức làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học nước ngoài, ở hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn. Nhiều bạn trẻ, doanh nhân trẻ người Việt, các du học sinh tại nước ngoài cũng đã có bước đầu thành công ở các hệ sinh thái khởi nghiệp lớn của thế giới.

Đây là những nguồn lực có giá trị quý báu, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vấn đề mở rộng thị trường, hỗ trợ vốn, gọi vốn và đặc biệt là sự cộng hưởng nguồn trí tuệ toàn cầu. Ngoài ra, từ đội ngũ trí thức, doanh nhân người Việt ở nước ngoài có thể hình thành mạng lưới chuyên gia cố vấn toàn cầu, hỗ trợ các startup Việt giải quyết các vấn đề khó khăn đang gặp phải.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, chuyên gia có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và đạt được một số thành công, đáng ghi nhận. Đặc biệt, từ Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều hoạt động nhằm gắn kết trí thức, kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã được tổ chức như: Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam, Diễn đàn kết nối startup Việt trong và ngoài nước, TECHFEST quốc tế tại Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc...

Để phát huy hơn nữa sức mạnh của các nguồn lực Việt từ nước ngoài, góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng cơ chế giới thiệu, kết nối, thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước; tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối đầu tư, kết nối thị trường…

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu, mong muốn thực tế của kiều bào, trí thức Việt Nam đối với các hoạt động trong nước, từ đó đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp.