Thời cơ và thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tạo sự thay đổi khá lớn trong sản xuất công nghiệp.

Trước bối cảnh đó, chúng ta cần nhận thức rõ, có cái nhìn tổng thể về xu thế của CMCN 4.0, đánh giá tác động của nó đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như từng tổ chức, doanh nghiệp, từ đó có giải pháp đón đầu thích hợp. CMCN 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua những công nghệ tiên tiến, đổi mới, sáng tạo không ngừng. Mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của CMCN 4.0 diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như in 3D, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa, rô-bốt…

Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của CMCN 4.0, với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới vạn vật kết nối in-tơ-nét (IoT), trí tuệ nhân tạo… CMCN 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát, là cơ hội quý báu mà Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng rõ mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam là rất lớn. Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ, CMCN 4.0 đang tạo ra thay đổi lớn trong hệ thống toàn cầu, nhưng với các quốc gia đang phát triển, đây là thách thức về khả năng cạnh tranh. Sự gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong từng quốc gia. Do đó, hướng tới năng suất cao hơn và khả năng phục hồi của xã hội là một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), làn sóng công nghiệp 4.0 sẽ đi cùng mô hình “Kinh tế chia sẻ” - mô hình thị trường kết hợp sở hữu và chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Đây được coi là mô hình kinh doanh mới, điển hình cho CMCN 4.0 đang diễn ra. Tại Việt Nam, đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ chưa thật sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại. Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, việc hoàn thiện chính sách điều chỉnh những mô hình kinh doanh mới như nêu trên vẫn là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.

Trong CMCN 4.0, chỉ cần có cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi, Việt Nam sẽ tận dụng được các cơ hội để bứt phá phát triển. CMCN 4.0 gắn chặt với năng lực trí tuệ; của cải do trí tuệ sáng tạo chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng GDP. Như vậy, thách thức ở đây là nếu muốn ứng dụng được công nghệ 4.0, đòi hỏi người lao động phải có trí tuệ thì mới tham gia vào quá trình sản xuất. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh với việc có thể chế hiện đại, chính quyền hiệu quả, công khai, minh bạch; xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...

Nghị quyết phiên họp Chính phủ gần đây cũng đã khẳng định, Việt Nam cần chủ động có định hướng, có giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, làm giảm các tác động tiêu cực của CMCN 4.0, trước hết là có bước đột phá về công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ trưởng, lãnh đạo các ngành cần nhận thức rõ về CMCN 4.0, tập trung hơn, tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho chính bộ mình, ngành mình thì không ai hiểu.