Thiêng liêng hai tiếng "đồng bào"

Thành phố mang tên Bác vốn luôn mở rộng tấm lòng bao dung, nghĩa tình, sẵn sàng chia sẻ và tạo không gian mưu sinh, lập nghiệp cho biết bao con người, bao gia đình từ mọi miền đất nước.

Áo xanh tình nguyện trên những cánh đồng rau được người dân Lâm Đồng hỗ trợ các vùng dịch. Ảnh: MAI VĂN BẢO.
Áo xanh tình nguyện trên những cánh đồng rau được người dân Lâm Đồng hỗ trợ các vùng dịch. Ảnh: MAI VĂN BẢO.

Từ thời điểm thành phố gặp chuyện khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồng bào cả nước lại hướng về nơi thân thương ấy bằng trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng. Những người mẹ miền trung không biết nói lời văn vẻ, mẹ chỉ thức thâu đêm cùng xóm làng rang lạc làm muối vừng, bớt gói tép khô trong bếp, quả bí đỏ vườn nhà gửi vào trong đó.

Nhiều người chị miền bắc không biết em út của mình trong đó cần gì, chị gửi tất cả những gì chị có, chị dùng hằng ngày. Những cô giáo Ðà Lạt đội mưa cắt từng bó rau xanh đóng những thùng rau nghĩa tình gửi về với đồng nghiệp, đồng bào trong kỳ nghỉ hè gian khó.

Những "siêu thị 0 đồng". Những suất cơm miễn phí. Những quầy tạp hóa "ai cần thì lấy". Những tấm chăn cho người già, gói kẹo cho trẻ nhỏ.

Tôi đã không cầm nổi nước mắt khi ngắm hình ảnh bà mẹ câm đơn thân người dân tộc thiểu số ở miền núi rừng Quảng Trị không ngần ngại trút nửa bao gạo còn lại của mẹ con chị như san bớt khó khăn cho những mảnh đời đang gặp gian khó trong kia.

Nghĩa đồng bào đánh thức triệu trái tim. Những chuyến xe xuôi ngược đêm ngày. Trên xe là nhu yếu phẩm, là những đoàn người tình nguyện chở theo lòng quả cảm, sẵn sàng tâm thế đến với nơi hiểm nguy. Những chuyến xe cứ một hướng bánh lăn, xuất phát từ nơi khó khăn đến với nơi đang khó khăn hơn.

Những câu tục ngữ từ thuở ông bà, giờ đọc lại ngấm hơn lúc nào hết: "Chị ngã em nâng", "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Bầu ơi thương lấy bí cùng…".

Cùng sẻ chia gánh nặng với khó khăn hiện tại của TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã và sẽ đón đồng hương về quê nhà chăm sóc. Ðà Nẵng là địa phương đầu tiên rồi Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình… Ðạo lý và trách nhiệm của chính quyền và đồng bào quê nhà đã làm cho họ phần nào ấm áp, an tâm.

Người ta có thể cảm nhận điều đó từ những ánh mắt biểu lộ sự xúc động, từ những giọt nước mắt lăn trên gò má, từ những câu chuyện kể ngập tràn nỗi niềm cảm xúc.

"Mẹ ơi thế giới bao la… bao la không bằng nhà mình…". Sẽ vẫn có những người thổn thức theo giai điệu của nhạc sĩ Trần Tiến trong những ngày tâm trạng bất an khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ðó là cảm xúc có thật, lúc buồn lo nhất thì điều mà ai cũng thường nghĩ tới là quê, là nhà, là những người ruột thịt.

Biết là vậy, nhưng dịch dã khó lường, cũng sẽ có những người vì hoàn cảnh không thể trở về. Nhưng trên mảnh đất quê hương Việt Nam mình, với hai tiếng "đồng bào" thân thương, ở nơi đâu cũng cùng chung ngôi nhà Tổ quốc…

Để ngăn chặn dịch, Ðảng, Nhà nước đang tập trung toàn lực với các giải pháp cấp bách và hữu hiệu. Người dân vùng dịch sẽ được cung cấp nhu yếu phẩm và vaccine. Nhưng có một thứ vaccine quan trọng và thiêng liêng nhất mà chúng ta đã và đang có, đó là vaccine mang tên "đồng bào".

Dòng máu Lạc Hồng từ hàng nghìn năm trước giúp chúng ta lan tỏa cùng nhau những cảm hứng tích cực, đó cũng là dòng mạch đắp bồi thêm cho mỗi người niềm tin và lòng yêu thương vào sự trường tồn của một dân tộc luôn yêu nước, thương nòi…