“Rào chắn” cản trở phục hồi kinh tế

Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần. Nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, nhất là nhu cầu về quê ăn Tết sau một năm làm việc vất vả xa nhà. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thấp thỏm không biết có nên về quê hay không, liệu có thể “về được” hay không, bởi thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố đã đề ra những quy định khác nhau để phòng, chống dịch, nhưng vô tình đã tạo những “rào chắn” trên đường về quê. Các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Phú Thọ… đều yêu cầu cách ly người về từ vùng có dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4.

Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tiễn công nhân về quê đón Tết 2021.
Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tiễn công nhân về quê đón Tết 2021.

Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn “mạnh tay” hơn khi yêu cầu cả người đến từ vùng có dịch ở cấp độ 2 cũng phải cách ly tại nhà ít nhất bảy ngày, xét nghiệm hai lần vào các ngày thứ nhất và ngày thứ bảy khi về địa phương. Nhiều tỉnh yêu cầu phải xét nghiệm bằng test nhanh, hoặc giấy xét nghiệm âm tính mới được ra vào tỉnh. Tỉnh Thanh Hóa, tuy không đưa ra các biện pháp chặt chẽ như một số tỉnh khác, nhưng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh lại vận động người dân… không về quê ăn Tết.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được gần ba tháng nay. Sau đó, Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn về việc chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh. Theo những hướng dẫn này, Bộ Y tế không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4, vùng phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Việc thực hiện cách ly cũng hết sức hạn chế, chỉ tổ chức cách ly với người đến từ địa bàn có dịch cấp 4, hoặc vùng cách ly y tế. Như vậy, có thể thấy, hàng loạt địa phương đã ban hành những quy định riêng không đúng với tinh thần yêu cầu “thích ứng an toàn linh hoạt” của Nghị quyết 128 và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sau một năm làm ăn, học tập ở nơi xa, nhu cầu về quê ăn Tết của người dân là rất lớn, nhất là khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 kéo dài đến chín ngày. Song với thời gian cách ly, hoặc với các biện pháp kiểm soát như hiện tại thì với nhiều người, chín ngày này vẫn không đủ cho thời gian đi lại, cách ly. Bên cạnh đó, vào khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán nhu cầu lưu thông hàng hóa là rất lớn. Những rào chắn này sẽ cản trở lưu thông hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp nỗ lực phục hồi, sản xuất, kinh doanh của các địa phương, doanh nghiệp. Một số địa phương sau khi có phản ứng của dư luận mới thay đổi biện pháp chống dịch nhưng chưa triệt để. Thí dụ như tỉnh Quảng Ninh vừa dỡ 14 chốt kiểm soát, nhưng vẫn giữ nguyên các biện pháp cách ly người đến từ vùng dịch. Việc phòng, chống dịch là hết sức cần thiết trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng cao.

Nhưng thực tế, nhiều địa phương chưa tháo được “rào chắn” tư duy, khi vẫn đề cao việc bảo vệ “thành quả chống dịch”. Trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 rất cao và nhiều địa phương đã và đang tích cực triển khai tiêm vắc-xin tăng cường mũi 3 cho người dân, “thành quả chống dịch” phải được hiểu là sự cân bằng giữa các chỉ số liên quan dịch bệnh và các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội. Do đó trước tình trạng mỗi nơi lại áp dụng “lệ” riêng như hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế cần đôn đốc triển khai các biện pháp chống dịch một cách thống nhất. Tháo “rào chắn” đi lại, “rào chắn” tư duy, cũng là tháo các “rào chắn” cản trở phục hồi kinh tế.