Phát huy thế mạnh y học cổ truyền để phòng, chống dịch

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, trên cơ sở thực tiễn khám, chữa bệnh Covid-19, góp ý của các chuyên gia đầu ngành về y dược cổ truyền và tham khảo các tài liệu thế giới, Bộ Y tế đã đưa ra các bài thuốc cổ phương và phương pháp y học cổ truyền để các cơ sở y tế áp dụng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hay bệnh mức độ nhẹ.

Huy động thuốc và sản phẩm y học cổ truyền hỗ trợ người bệnh Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang.
Huy động thuốc và sản phẩm y học cổ truyền hỗ trợ người bệnh Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang.

Thí dụ, điều trị cho bệnh nhân F0 không có triệu chứng, thầy thuốc căn cứ vào tình trạng, diễn biến bệnh có thể tham khảo bốn bài thuốc: Ngọc bình phong tán; Nhân sâm bại độc tán; Sâm tô ẩm; Đạt nguyên ẩm. Bệnh nhân F0 mức độ nhẹ có sáu bài thuốc để thầy thuốc tham khảo. Khi bệnh nhân xuất viện, cần tiếp tục điều trị bằng y học cổ truyền cũng có 12 bài thuốc hỗ trợ phục hồi chức năng…

Đây là lần thứ hai các bài thuốc, phương pháp y học cổ truyền phòng, chống Covid-19 được Bộ Y tế ban hành. Trước đó, tháng 3/2020, khi dịch mới xuất hiện ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1306/BYT-YDCT hướng dẫn các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống dịch bằng các bài thuốc và phương pháp y học cổ truyền.

Thực tế, những sản phẩm của đông y, những bài tập thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng cho người bệnh đã và đang được áp dụng hỗ trợ điều trị cho người bệnh Covid-19 tại Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), tuy hướng dẫn cho các cơ sở y tế, nhưng người dân có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh như tập thở, xông phòng bằng tinh dầu, súc họng, xịt mũi bằng dung dịch từ dược liệu; tham khảo các món ăn từ dược liệu để nâng cao thể trạng cho người bệnh giai đoạn sau điều trị Covid-19. Đây là các phương pháp khoa học đã được Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành về y, dược cổ truyền thẩm định, trình lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành. Người dân có thể tham khảo để phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe, tránh tin vào những công thức điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng, lượm lặt trên mạng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng y học cổ truyền trong phòng, chống Covid-19 có những đặc thù riêng, và sẽ có những khó khăn nhất định. Để các bài thuốc, phương pháp y học cổ truyền được sử dụng, phát huy hiệu quả cần có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị. Cần khuyến khích các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đưa vào ứng dụng các bài thuốc để điều trị giai đoạn hồi phục Covid-19. Giai đoạn này nhằm tiếp nối các giai đoạn điều trị trước để phục hồi toàn diện cho người bệnh, do đó, cần bảo đảm chi trả bảo hiểm y tế để các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích các đơn vị nghiên cứu lựa chọn dược liệu, phương thuốc phù hợp để nghiên cứu, đánh giá tác dụng điều trị Covid-19 bằng công nghệ hiện đại.

Ngân sách Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ các nghiên cứu để khai thác được các tiềm lực y dược cổ truyền như nguồn tài nguyên dược liệu, các nghiên cứu, quy trình công nghệ liên quan đã có trước đây, từ đó từng bước khẳng định thế mạnh của y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh, nhất là đối với các bệnh mới nổi.