Ðộng lực cho văn học thiếu nhi phát triển

Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư năm 2021 vừa được trao tại Hà Nội đã vinh danh nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi với một giải A, bốn giải B, hai giải C trong tổng số 24 giải thưởng. Ðiều đó cho thấy văn học thiếu nhi đã được quan tâm hơn và có nhiều khởi sắc.

Ðộng lực cho văn học thiếu nhi phát triển

Trong mùa giải này, mảng sách thiếu nhi tuy chiếm số lượng không nhiều (27 tên sách/bộ sách, gồm 62 cuốn) so với các mảng sách khác, như: Văn hóa, văn học và nghệ thuật, chính trị, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ... song, các tác phẩm đề tài thiếu nhi đã góp mặt ở tất cả hạng mục giải thưởng. Ðây là thành quả từ sự quan tâm của các nhà xuất bản, công ty sách, đội ngũ sáng tác và bạn đọc với những đóng góp tích cực, thiết thực. Ðồng thời, thể hiện quá trình quan sát, ghi nhận kịp thời từ Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia, đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi - một việc làm cần thiết, quan trọng để hướng tới tương lai tốt đẹp của nước nhà.

Một trong những điểm đáng chú ý, của các tác phẩm văn học thiếu nhi đoạt Giải thưởng Sách quốc gia lần này là đều thể hiện xuất sắc những giá trị văn hóa, nhân văn và hội nhập. "Chang hoang dã - Gấu" của tác giả Trang Nguyễn (sinh năm 1990) và họa sĩ Jeet Zdung (NXB Kim Ðồng) đoạt giải A là cuốn truyện tranh chủ đề bảo vệ thiên nhiên và môi trường hoang dã. Tác giả đã dẫn dắt bạn đọc khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp, hướng trẻ em đến lối sống lành mạnh, hòa hợp với thiên nhiên. Sau khi xuất bản tại thị trường trong nước, tác phẩm bán được bản quyền cho Nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh và nhượng quyền cho năm nước, gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ðã có những giai đoạn văn học thiếu nhi có nhiều khoảng trống với nhiều lý do. Ðầu tiên, do một bộ phận những người có trách nhiệm và đội ngũ những người cầm bút còn chưa nhận thức hết tầm quan trọng và đầu tư đúng mức cho đề tài này; chưa có nhiều kế hoạch, hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy, khuyến khích văn học thiếu nhi phát triển. Bên cạnh đó, sáng tác cho thiếu nhi luôn là thách thức với đội ngũ người cầm bút. Hội Nhà văn Việt Nam ở nhiệm kỳ này đã và đang có những thay đổi, trong đó văn học thiếu nhi là mảng ưu tiên với các kế hoạch, hoạt động và giải thưởng. Bên cạnh thế hệ nhà văn viết cho thiếu nhi đa phần đã lớn tuổi, qua Giải thưởng Sách quốc gia năm nay, có thể nhận thấy tiềm năng từ đội ngũ kế cận là những tác giả trẻ thuộc thế hệ 9x đã đoạt giải cao. Tác phẩm văn học thiếu nhi của họ không dừng lại ở đóng góp, sáng tạo về mặt nội dung mà hình thức các cuốn sách đều được ứng dụng tốt nền tảng đồ họa, công nghệ, kỹ thuật mới, mang lại sự lôi cuốn về thị giác cho bạn đọc.

Với những đóng góp đáng ghi nhận và động lực từ các giải thưởng, hoạt động hướng tới văn học thiếu nhi, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một thế hệ mới nhiệt huyết, trẻ trung và sáng tạo ■

MAI LỮ