Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Hà Nội là địa bàn có dân số đông, trung tâm giao thương lớn của cả nước và khu vực. Dịch Covid-19 lần thứ tư đã lây lan trên diện rộng tại Hà Nội với gần 250 ca mắc, trong đó có nhiều chùm ca bệnh phức tạp. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của công tác chống dịch những đợt trước và nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các lực lượng tuyến đầu, tình hình dịch trên địa bàn thành phố dần được kiểm soát.

 Sáng sớm 22-6, nhiều hàng ăn uống tại Hà Nội được mở cửa trở lại. Ảnh: NGỌC HÀ.
Sáng sớm 22-6, nhiều hàng ăn uống tại Hà Nội được mở cửa trở lại. Ảnh: NGỌC HÀ.

Cho đến nay, 16 chùm ca bệnh ở Hà Nội đã được khống chế và kiểm soát. 97 điểm phong tỏa trong tổng số 106 điểm phong tỏa đã được gỡ bỏ. Tám ngày qua, chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Chính vì vậy, từ 0 giờ ngày 22-6, UBND thành phố Hà Nội quyết định nới lỏng một số hoạt động như dịch vụ cắt tóc, gội đầu, dịch vụ ăn, uống trong nhà. Đây là một trong những giải pháp nhằm tạo cơ hội về việc làm, thu nhập cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế. 

Trước việc thành phố cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ phục vụ đời sống, không ít người dân đã thức thâu đêm để dọn dẹp, vệ sinh cửa hàng, chuẩn bị đón khách từ sáng 22-6. 

Trên các trang mạng xã hội, không ít cư dân mạng đã hồ hởi hò hẹn nhau đi ăn phở, cắt tóc, gội đầu. Ghi nhận tại các cửa hàng ăn uống, cà-phê trong sáng 22-6 dễ dàng nhận thấy các cửa hàng đều đông khách. Hầu hết các cửa hàng ăn đều chấp hành nghiêm việc lắp đặt tấm chắn giọt bắn trên bàn ăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cửa hàng, nhất là cửa hàng bán quà sáng trong khu vực phố cổ chưa bảo đảm khoảng cách an toàn. Tại nhiều quán phở có thương hiệu, nhiều khách không mang khẩu trang, đứng xếp hàng sát vào nhau hoặc ngồi sát nhau khi ăn.

Thực trạng nêu trên là đáng lo ngại. Hà Nội mới bước đầu kiểm soát được dịch, nhưng diễn biến trên cả nước và các tỉnh chung quanh vẫn rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 còn rất cao. Cách đây không lâu, chùm ca bệnh từ người phụ nữ bán rau tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), hay trường hợp nhân viên Bệnh viện Đức Giang dương tính với SARS-CoV-2 chưa xác định được nguồn lây. Tỷ lệ người dân trên địa bàn được tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa cao. Nếu chủ quan, dịch bệnh sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào, diễn biến phức tạp hơn và tốn kém công sức, tiền của để ứng phó.

Đơn cử như tại TP Đà Nẵng, chỉ sau 10 ngày nới lỏng các hoạt động tắm biển, nhà hàng ăn uống, mới đây lại xuất hiện chùm ca bệnh mới liên quan đến 24 người mắc. Trong khi đó, chỉ còn hai tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, yêu cầu an toàn phòng dịch càng cần phải nâng lên mức cao hơn nữa. 

Việc nới lỏng hoạt động phòng, chống dịch tại Hà Nội nói riêng, tại các địa phương nói chung, cần được thực hiện một cách thận trọng, vừa làm, vừa đánh giá. Yêu cầu đặt ra là các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại phải chủ động, tự giác thực hiện nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thông điệp “5K”; có trách nhiệm giám sát, tuyên truyền để mọi nhân viên, khách hàng tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Các cơ sở dịch vụ chưa được mở cửa trở lại hoặc chỉ được bán hàng mang về tiếp tục tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Chính quyền các cấp cần tích cực kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của hộ kinh doanh, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm.