Những hiểm họa từ "nghiện game"

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xuất hiện những vụ trọng án, giết người dã man mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc hung thủ nghiện game online (trò chơi điện tử trực tuyến).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây nhất, tại tỉnh Phú Yên, một cô bé 13 tuổi sau khi đi chơi với một nam thanh niên 18 tuổi đã bị người này đưa vào khu vực rừng để sát hại. Qua khai thác ban đầu, cơ quan công an xác định, hung thủ là một thanh niên lêu lổng và "nghiện game". Tại Nghệ An, một nam sinh học lớp 11 của một trường trung học phổ thông, bất ngờ gây ra cái chết cho một bé trai năm tuổi, với một lý do nghe chừng như rất giản đơn, đó là, vì bắt chước theo một trò chơi điện tử. Do "nghiện game", nam sinh này đã đưa bé trai vào khu rừng, trói hai tay rồi bỏ lại và sẽ thực hiện theo trong trò chơi điện tử để thể hiện với mọi người rằng, mình là người có công tìm ra khi bé bị mất tích. Thế nhưng hành vi đó đã khiến bé trai thiệt mạng vì bị bỏ đói, khát trong thời gian dài. Đáng chú ý hơn cả là trường hợp của Triệu Quân Sự. Sự là đối tượng giết người, bỏ trốn khỏi trại giam quân đội. Thời điểm Sự sa lưới khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, vì đối tượng này dù "qua mặt" được lực lượng chức năng, nhưng lại không qua khỏi cơn "nghiện game". Trên đường bỏ trốn, Sự đã vào quán in-tơ-nét để chơi game online thâu đêm, suốt sáng và ăn ngủ ngay tại quán. Tại đây, Sự đã bị người dân phát giác, báo tin cho lực lượng chức năng tới bắt giữ.

Theo các chuyên gia tâm lý về tội phạm của Bộ Công an, nhiều người vẫn nghĩ "nghiện game" chỉ đơn giản là một hành vi của một bộ phận người trẻ, thích các trò chơi khám phá, đối kháng trên máy tính hay các hệ máy điện tử. Tuy nhiên, trên thực tế, "nghiện game", nhất là game online có tính chất bạo lực nguy hiểm còn hơn cả nghiện ma túy. Bởi lẽ, những đối tượng "nghiện game" thường sẽ tăng nặng theo thời gian, ngày càng tạo ra tư tưởng hiếu thắng hoặc cay cú mỗi khi thua. "Nghiện game" còn làm những mối quan hệ, nhất là quan hệ tình cảm dần biến mất, quên bố mẹ, gia đình, người thân và bạn bè. Nguy hiểm hơn "nghiện game" chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nảy sinh hành vi phạm tội. Từ "nghiện game", sẽ có thể phát sinh tình huống không có tiền chơi game, sẽ nghĩ ra cách để có tiền (trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí là giết người). Nhiều vụ án, do người thân không cho tiền để chơi game dẫn đến cáu gắt, chửi bới và ra tay giết cả bố, mẹ, ông, bà. Hoặc, ngay trong quá trình chơi game, việc mua bán, giao dịch các vật phẩm trong game giữa những nhóm bạn bè cùng chơi game cũng có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột, gây ra những hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, theo các điều tra viên về án hình sự, các đối tượng "nghiện game" phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn. Đáng chú ý là, tình trạng các bạn trẻ sau khi vào các "trường điểm", đỗ đại học, cao đẳng bắt đầu cuộc sống xa nhà và có nhiều thời gian rảnh rỗi cho nên rủ nhau lao vào chơi game. Việc này dẫn đến tình trạng sa sút học hành, nghiện game và thậm chí để có tiền chơi, nạp thẻ, mua đồ trong thế giới ảo, nhiều đối tượng sẵn sàng phạm tội.

ĐÃ đến lúc cần coi "nghiện game" là một vấn đề đáng báo động, đòi hỏi cả xã hội chung tay vào cuộc để ngăn ngừa. Trong đó, biện pháp hiệu quả nhất chính là việc quản lý con em trong từng gia đình và tại các nhà trường. Các bậc phụ huynh cần có các phương pháp dạy con khoa học, kiểm soát khi con sử dụng điện thoại, chơi điện tử trực tuyến. Thường xuyên cho con đọc báo, xem các đoạn phim ngắn nói về tác hại của nghiện game, không sử dụng những hình thức khen thưởng bằng việc cho chơi game. Sớm nhận diện những dấu hiệu "nghiện game" của con cái để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đối với học sinh, sinh viên, nhà trường cần tăng cường các hoạt động, chương trình như: dã ngoại, vận động, thể thao... để giúp các em có sân chơi bổ ích, không tìm đến các trò chơi gây hại. Đồng thời, tổ chức các hoạt động nhân ái giúp học sinh, sinh viên cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, không cảm thấy nhàm chán để nghĩ về những trò chơi không lành mạnh.

Trên góc độ quản lý game, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần có các biện pháp răn đe mạnh mẽ như: quản lý số giờ chơi game online, tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi mua bán vật phẩm trong game. Cần nghiêm cấm các doanh nghiệp phát hành các game có nội dung gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, kích thích dâm ô, trụy lạc, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, phá hoại truyền thống lịch sử; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; miêu tả các hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố, hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em, đánh bạc và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác...