Ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I/2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 33.800 vụ việc vi phạm về buôn lậu và gian lận thương mại, giảm 44,86%, qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước 1.917 tỷ đồng, tăng 39,78% so với cùng kỳ năm 2021. Ðạt kết quả đáng khích lệ nêu trên, có sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng như công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm lớn.

Công an bắt giữ các tàu vận chuyển xăng nhập lậu. (Nguồn: Báo Công an nhân dân)
Công an bắt giữ các tàu vận chuyển xăng nhập lậu. (Nguồn: Báo Công an nhân dân)

Ðáng chú ý, thời điểm đầu năm nay, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía bắc, các đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để có hành vi trục lợi, vi phạm pháp luật liên quan nhóm mặt hàng sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Sự dễ dãi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng vẫn còn là "mảnh đất" màu mỡ cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng hòng trục lợi.

Từ thực trạng trên có thể thấy, nạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hết độ nóng, nhất là hoạt động kinh doanh không chỉ còn truyền thống đơn thuần, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có xu hướng chuyển mạnh sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh, lực lượng chức năng gặp khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát. Cùng với đó, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vẫn còn chồng chéo, gây nhiều bất cập.

Trong 4 tháng qua, khi các lực lượng chức năng triển khai tăng cường kiểm soát người và phương tiện để hạn chế lây lan dịch Covid-19, hoạt động mang vác, vận chuyển nhỏ lẻ hàng lậu qua biên giới, đường mòn, lối mở có xu hướng giảm, nhưng lại xuất hiện những hình thức buôn lậu mới tinh vi hơn qua việc lợi dụng hình thức xuất, nhập khẩu chính ngạch như: nhập khẩu kinh doanh, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu để buôn lậu hàng hóa quy mô lớn. Các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử và chính sách hậu kiểm để không khai báo, hoặc khai báo gian dối, không đúng số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa,…

Ngoài ra, hoạt động buôn lậu còn xuất hiện các hành vi che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; phá niêm phong tẩu tán hàng trên đường vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, hay chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế giá trị gia tăng,… Một số đối tượng lại lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhằm "qua mặt" lực lượng chức năng.

Do đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các lực lượng chức năng cần nhanh chóng xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, điều tra phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng,...

Ðể việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu đạt được hiệu quả tốt hơn, bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, cần sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của toàn xã hội đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.