Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản

Thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), nơi có diện tích trồng xoài lớn nhất miền trung, đang vào vụ thu hoạch rộ xoài Ô-xtrây-li-a, nhưng người dân lại để mặc không thu hoạch vì không biết xuất bán đi đâu. Huyện Cam Lâm có hơn 6.000 ha xoài, và lượng xoài tồn đọng ước khoảng 20.000 tấn, chiếm một nửa sản lượng năm nay. Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều nhà vườn cũng chịu cảnh thua lỗ khi giá xoài hiện xuống mức rất thấp nhưng không có người thu mua, khiến nhiều hộ dân phải đổ bỏ hoặc làm thức ăn cho cá.

Tại các tỉnh miền bắc, một số loại trái cây vào vụ cũng đang bị ùn ứ, tồn đọng, mất giá, điển hình như quả mận tam hoa. Huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) có 385 ha mận với tổng sản lượng mỗi năm hơn 3.600 tấn. Năm nay mận được mùa, quả to, sai, nhưng người trồng cũng không biết bán đi đâu vì thương lái không thu gom, cũng không có khách du lịch lên mua như mọi năm. Theo nông dân, nếu không tìm được mối bán sớm thì chỉ đến giữa tháng 6 là các vườn mận sẽ chín rục, phải vứt bỏ. Tương tự ở tỉnh Sơn La, lượng quả mận được thu mua rất ít, giá thấp hơn hẳn so với những vụ trước.
 
 Nguyên nhân của việc “ế” nông sản ở nhiều địa phương là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến việc vận chuyển đi các tỉnh và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường lớn tiêu thụ trái cây của nước ta. Riêng quả xoài còn khó tiêu thụ do cung vượt cầu khi Trung Quốc và Cam-pu-chia có đến hàng trăm nghìn héc-ta xoài cũng đang vào vụ thu hoạch với năng suất, sản lượng rất cao.
 
 Thực tế, ngay từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của nước ta nên suốt thời gian qua, hầu hết các địa phương đều phải lên phương án đối phó. Giải pháp cần tập trung là đẩy mạnh các kênh tiêu thụ nội địa, vì thị trường trong nước vẫn còn dư địa khá lớn cho trái cây tươi, ngon, có giá trị. Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại… tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, nơi có nhu cầu trái cây rất lớn nhưng lại đang bị trái cây nhập khẩu “bao sân”. Ngoài ra, thay vì bán trực tiếp, cần bán qua kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến như đã thực hiện với sản phẩm quả vải tại tỉnh Bắc Giang, Hải Dương…
 
 Các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch cho nhiều loại trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch.