Kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hình ảnh

Bức tranh sáng tạo hình ảnh của Việt Nam những năm gần đây ngày càng đa dạng và nhiều mầu sắc hơn với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Ðóng góp của ngành công nghiệp hình ảnh vào sự phát triển chung của công nghiệp văn hóa là không hề nhỏ, mặc dù hệ sinh thái hỗ trợ dành cho ngành này còn thiếu và yếu.

Hình ảnh bộ truyện tranh dã sử "Long thần tướng" (Ảnh: Fanpage Phong Dương Comic)
Hình ảnh bộ truyện tranh dã sử "Long thần tướng" (Ảnh: Fanpage Phong Dương Comic)

Công nghiệp hình ảnh là một khái niệm còn khá mới ở Việt Nam, dù nó bao gồm những ngành khá quen thuộc như: truyện tranh, hoạt hình, video games với những thành công nhất định.

Nhiều dự án truyện tranh, hoạt hình, game "made in Việt Nam" ra mắt đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, nhất là độc giả trẻ. Có thể kể đến những "tên tuổi" như: game "Free Fire" đứng thứ 3 trong top 10 tựa game mobile có doanh thu cao nhất thế giới; game "Axie Infinity" là một hiện tượng không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Philippines, Indonesia, thậm chí cả châu Âu và thị trường Mỹ; truyện tranh dã sử "Long thần tướng" liên tiếp giành các giải thưởng quốc tế; phim hoạt hình "Tàn Thể" cũng nhận không ít giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, còn có một cộng đồng không nhỏ những cá nhân hoạt động sôi nổi với cả vai trò tác giả, người xem, người chơi và đặc biệt đam mê công việc sáng tạo hình ảnh.

Với những thành công bước đầu, ngành công nghiệp hình ảnh ngày càng chứng tỏ được thế mạnh dù chưa phải là lĩnh vực được "ưu tiên" phát triển của công nghiệp văn hóa. Thậm chí, ngành công nghiệp game còn được đánh giá là "con gà đẻ trứng vàng" của công nghiệp văn hóa khi liên tục có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong những năm qua. Doanh thu từ hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng đã tăng trưởng gấp đôi từ năm 2015 đến 2019. Phát triển ngành công nghiệp hình ảnh còn mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ, thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ sáng tạo, đồng thời giữ vai trò "sức mạnh mềm" quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc ra thế giới. Ðáng tiếc là hiện nay, chúng ta chưa có một hệ sinh thái hỗ trợ cho sự phát triển các ngành công nghiệp hình ảnh ở Việt Nam.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp hình ảnh. Thực tế, mảnh đất của sáng tạo hình ảnh còn rất nhiều tiềm năng để khai phá, đặc biệt là khi nhu cầu giải trí của con người ngày càng tăng, và độc giả thì luôn sẵn sàng đón nhận những sản phẩm văn hóa đậm chất Việt Nam như " Long Thần Tướng", "Việt sử kiêu hùng", "Thần tích"... Ðể khai phá thành công "mảnh đất" này, kiến tạo một hệ sinh thái hỗ trợ công nghiệp hình ảnh phát triển bền vững là việc hết sức cần thiết.

Một hệ sinh thái không đơn thuần chỉ là sản phẩm và một hệ thống sản phẩm phái sinh sau đó mà còn phải kể đến cơ chế, chính sách, nguồn tài trợ, các quỹ đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc VICAS Arts Studio, Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, điểm cốt lõi trong phát triển các ngành sáng tạo hình ảnh ở Việt Nam là từ khóa "hệ sinh thái", trong đó, quan trọng nhất là việc thiết lập một sự kết nối giữa ngành công nghiệp với chính sách và khu vực đào tạo. Ngoài ra, nguồn nhân lực hoạt động trong ngành công nghiệp hình ảnh của Việt Nam còn thiếu và yếu. Vì thế, cần đào tạo một nguồn nhân lực đủ về số lượng và bảo đảm yêu cầu cao về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng. Bên cạnh đó, cần xây dựng các quỹ đầu tư hỗ trợ cho các nhà sản xuất, những cá nhân thực hiện các dự án sáng tạo hình ảnh ■

Linh An