Khẩn trương hơn trong hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Những ngày này, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQCP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở Đà Nẵng (Ảnh: Anh Đào).
Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở Đà Nẵng (Ảnh: Anh Đào).

Về phía MTTQ Việt Nam các cấp, để triển khai hai Nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Mặt trận cùng các tổ chức thành viên tham gia các tổ chức, các đợt rà soát đối tượng để bảo đảm việc phân bổ đúng, phù hợp và không trùng lặp. Thông qua quá trình giám sát, phát hiện những điểm còn hạn chế, bất cập trong chính sách cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Thực tế hiện nay, nhiều địa phương có cách làm rất nhanh, hiệu quả, không có biểu hiện trục lợi và nhận được sự tin tưởng, đồng tình của nhân dân.

Tuy nhiên, theo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, qua hoạt động giám sát đã thấy có một số tồn tại, khó khăn nhất định. Trong đó, các chính sách trong Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2021 của Chính phủ chưa bao trùm hết các đối tượng hoặc đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; việc đi lại, nộp hồ sơ của người được thụ hưởng cũng gặp trở ngại; tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao độngvà người sử dụng lao động về hồ sơ, thủ tục hỗ trợ chưa đầy đủ, kịp thời. Cùng với đó, một số cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xin hỗ trợ còn thiếu sót về chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, cho nên dẫn đến chậm trễ, khó khăn trong quá trình triển khai. Thực trạng nêu trên cho thấy cần có sự điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động nhưng vẫn đúng theo các quy định của pháp luật và hạn chế, ngăn chặn việc trục lợi từ chính sách. Bên cạnh đó, để không một người dân nào gặp phải khó khăn lớn trong cuộc sống hằng ngày, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã triển khai Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền nam vượt qua đại dịch Covid-19”.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên cần quyết liệt và khẩn trương hơn nữa để bảo đảm những phần quà được trao tận tay người dân. Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có chủ trương cắt giảm đến mức thấp nhất thủ tục phân bổ các phần quà đến người dân. Theo đó, chỉ cần có chữ ký của đại diện chính quyền địa phương và cán bộ Mặt trận khu dân cư là người dân có thể tiếp cận được những phần quà có ý nghĩa này. Đây là một quyết định kịp thời cần được lan tỏa và thực thi ngay lập tức. Vì vậy, trong quá trình triển khai hỗ trợ, các đơn vị liên quan cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra với phương châm: kịp thời, nhanh gọn, tránh gây phiền hà cho nhân dân. Các cán bộ thực hiện nhiệm vụ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết… Kế hoạch hỗ trợ cần được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân.