Kết nối giới trẻ với di sản

Việt Nam có một lượng di sản công nghiệp không nhỏ, bao gồm các cơ sở sản xuất, các nhà máy cũ như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy dệt kim Đông Xuân (Hà Nội), Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP Hồ Chí Minh)... Giá trị của di sản công nghiệp không đơn thuần ở hệ thống các “hiện vật” mà còn là giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, ký ức. 

Một góc không gian sáng tạo Complex 01.
Một góc không gian sáng tạo Complex 01.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là không ít người trẻ hiện nay thiếu sự kết nối với truyền thống, di sản của dân tộc. Trong khi đó, người trẻ không chỉ có năng lượng sáng tạo dồi dào mà còn là tương lai, là thế hệ tiếp nối, tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Vì thế, tăng cường kết nối người trẻ với di sản là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm góp phần gìn giữ các di sản nói chung, di sản công nghiệp nói riêng.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi các di sản công nghiệp thành các không gian văn hóa, sáng tạo là một giải pháp hiệu quả giúp tăng tính kết nối giữa người trẻ và di sản.

Việt Nam đã có một số mô hình chuyển đổi thành công như: tổ hợp Complex 01 (Tây Sơn) được làm mới trên nền của Nhà máy in Công Đoàn; 282 Design (Phú Viên, Gia Lâm) chuyển đổi từ nhà máy mũ cối; Trung tâm văn hóa Pháp từ xưởng in của Nhà máy in Báo Nhân Dân…

Điểm chung của các dự án thành công này là đều được chuyển đổi thành các tổ hợp không gian đa chức năng với kiến trúc độc đáo cùng nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, kết nối, khởi nghiệp... của nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ.

Có thể thấy, sự chuyển đổi này đưa người trẻ trở thành đối tượng chính “hưởng thụ” và “tiêu dùng” di sản công nghiệp. Từ đó, đánh thức sự quan tâm của người trẻ với di sản; đồng thời, khơi dậy ý thức bảo tồn và phát triển di sản, góp phần duy trì sức sống của di sản.

Đáng nói, các mô hình này đều được thực hiện bởi những người trẻ, có tư duy sáng tạo và mong muốn gìn giữ những giá trị của di sản công nghiệp như một phần ký ức không thể quên. 

Sẽ thật sự đáng tiếc nếu để mất những di sản công nghiệp theo hướng xóa sổ hoàn toàn, thay vào đó là các tòa cao ốc, các đại đô thị như đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Đó không chỉ là việc xóa xổ các nhà xưởng, máy móc mà là đánh mất ký ức của những người lao động, những người dân và nghiêm trọng hơn là sự biến mất vĩnh viễn của di sản.

Các quốc gia châu Âu có không ít di sản công nghiệp sau khi chuyển đổi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thu hút rất đông du khách tới tham quan. Điển hình như: tổ hợp công nghiệp mỏ than Zollverein (Đức), mỏ bạc Potosi (Bolivia), cơ sở khai thác mỏ, sản xuất phân bón tại Humberstone và Santa Laura (Chile)...  

Vì thế, cần tiếp tục thúc đẩy, nhân rộng những mô hình chuyển đổi các di sản công nghiệp thành các không gian văn hóa sáng tạo - nơi kết nối người trẻ với di sản và cũng là nơi ký ức được lưu giữ, di sản được tiếp nối.

Để làm được điều này rất cần sự chung tay của toàn xã hội, sự cởi mở về cơ chế, chính sách và một khung pháp lý rõ ràng, thuận lợi.

Hy vọng rằng, với cách làm đúng đắn, Việt Nam cũng sẽ có những mô hình chuyển đổi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.