Ðiều không thể… "chạy"

Mới đây, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với nguyên Phó Viện trưởng Kiểm sát nhân dân TP Bảo Lộc (Lâm Ðồng) để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quyết định được đưa ra sau khi xem xét, điều tra sự việc theo đơn tố cáo của người dân. Theo đó vào tháng 6/2020, khi đang giữ chức Phó Viện trưởng Kiểm sát nhân dân TP Bảo Lộc, trong quá trình xét xử vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", ông này đã có hành vi vòi vĩnh, nhận 120 triệu đồng của người nhà bị can để "chạy" án. Sự việc bất thành, người nhà bị can không đồng ý thương lượng để nhận lại số tiền và làm đơn tố cáo.

Ðây chưa phải là vụ án tham nhũng, tiêu cực điển hình nhưng có nhiều điều để suy ngẫm. Trước hết, đó là một trong số rất ít các vụ án tham nhũng, tiêu cực mà quá trình điều tra có thể chỉ rõ hành vi đưa và nhận hối lộ.

Dù dư luận có thể ngầm hiểu, để thực hiện các hành vi "chạy" tương tự, cách này hay cách khác, luôn kèm theo những thỏa thuận vật chất như một khoản chi phí phục vụ mục đích phi pháp nhưng thực tế, rất khó để "gọi" đúng tên hành vi đưa và nhận hối lộ, ngay cả khi luật pháp đã được sửa đổi theo hướng khoan nhẹ đối với một số hành vi đưa hối lộ, nhằm khuyến khích tự thú. Theo đó, nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác, có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

Tuy nhiên, đích đến của những khoản chi phí này có tính chất không trong sáng, nên hầu hết người đưa hối lộ đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" trong những vụ trao đổi, mua - bán bất thành. Ðây là một trong những nguyên nhân gây khó cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lâu nay, "chạy" (theo nghĩa bóng) được coi là hành vi tham nhũng, tiêu cực, là sự cấu kết, những cái bắt tay "ngầm" giữa người có mưu cầu lợi ích không chính đáng với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan công quyền. Tại Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Trung ương đã nhận diện những biểu hiện suy thoái qua một loạt các hiện tượng "chạy" như: chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy điểm, chạy dự án… Thực trạng đó đã xói mòn niềm tin của người dân đối với hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ ở các cơ quan công quyền.

Nhận diện tiêu cực để có "phác đồ" điều trị triệt để, nhiệm kỳ qua, Trung ương đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về chống lạm dụng quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu...

Ðáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Trung ương đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó, phẩm chất được đặt lên hàng đầu. Ðiều này thêm một lần nữa khẳng định, Ðảng ta nêu cao tầm quan trọng của việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức trong bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ hiện nay.

Trở lại vụ việc nêu trên, thêm một bài học đau xót khi hành vi cố tình vi phạm pháp luật xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Cần phải có những giải pháp mạnh và hiệu quả hơn trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên, trong cơ chế giám sát quyền lực ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực.

Khi quyền lực được trao cho người không đủ phẩm chất, hoặc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của cơ quan, đơn vị mà còn gây tổn hại uy tín của Ðảng, suy giảm hiệu lực thi hành pháp luật của Nhà nước và niềm tin trong nhân dân.

Mọi cơ chế giám sát quyền lực, chế tài xử lý vi phạm đều có thể thực thi, nhưng không chế tài nào thay thế được đạo đức, lòng tự trọng của mỗi người. Ðiều ấy không thể "chạy" mà có được.