Hoàn thiện cơ chế, chính sách về sở hữu trí tuệ

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm lực khoa học công nghệ hiện có của các đơn vị này. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: lsvn.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: lsvn.vn)

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, số lượng đăng ký sáng chế của nhóm trường đại học chỉ trên dưới 150 đơn/năm, đăng ký giải pháp hữu ích chỉ khoảng 60 đơn/năm; ở nhóm viện nghiên cứu, số lượng đơn đăng ký sáng chế khoảng dưới 100 đơn/năm, đơn đăng ký giải pháp hữu ích chỉ khoảng 90 đơn/năm. Trong khi đó, số lượng bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới lại lớn hơn rất nhiều. 

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích là do việc hoàn thành đăng ký sáng chế mất nhiều thời gian, trung bình khoảng ba năm, trong khi thời gian hoàn thành bài báo khoa học từ  sáu tháng đến một năm; kinh phí thực hiện đề tài thường eo hẹp, khó tạo ra sáng chế. Nhiều cơ sở nghiên cứu cũng không yêu cầu sản phẩm đầu ra bắt buộc của đề tài nghiên cứu là sáng chế. Bên cạnh đó, nhận thức về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chưa phải là vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với đa số cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học…

Từ thực tiễn nghiên cứu, nhiều nhà khoa học cho rằng, mục đích đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích là để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhưng nhà khoa học chưa có động lực để thực hiện quyền này. Hiện, chưa có quy định cho phép đơn vị chủ trì nghiên cứu được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ mà quyền này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư. Trong khi đó, tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư lại không có khả năng thương mại hóa đối tượng được bảo hộ, cũng như không có chức năng kinh doanh. 

Đồng thời, do chưa có hướng dẫn việc phân chia lợi nhuận cho tác giả, chủ sở hữu sáng chế sau khi thương mại hóa thành công, cho nên chưa thúc đẩy được sự sáng tạo, tâm huyết của nhà khoa học. Với những bất cập hiện nay, nhất là việc chưa có quy định phân chia lợi nhuận, không ít trường hợp đã phối hợp nghiên cứu với doanh nghiệp, đăng ký kết quả nghiên cứu làm tài sản trí tuệ riêng, dẫn đến thất thoát tài sản trí tuệ công. 
 
Tại hội nghị sở hữu trí tuệ toàn quốc năm 2022 diễn ra mới đây, nhiều địa phương đã lên tiếng về những bất cập này, và cho đó chính là rào cản lớn nhất hiện nay để ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống. 

Nhiều nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, để tăng số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích trong thời gian tới, cần sớm “cởi trói” chính sách, đó là giao quyền đăng ký tài sản trí tuệ cho tổ chức chủ trì nghiên cứu và cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả đề tài nghiên cứu khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Quy định tương tự đã được nhiều quốc gia thực hiện thành công, thúc đẩy được hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu  phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Tài sản trí tuệ là tài sản xã hội, trong đó có đầu tư của Nhà nước, vì thế cần có cơ chế phù hợp để chuyển giao cho xã hội, phục vụ nhu cầu của xã hội, tạo ra giá trị cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia. Từ đó, giá trị đầu tư của Nhà nước qua các đề tài nghiên cứu mới phát huy được hiệu quả, tránh được tình trạng tài sản trí tuệ bị lãng phí, thất thoát như hiện nay.