Hỗ trợ công nhân trở lại làm việc

Theo báo cáo nhanh của Liên đoàn lao động một số tỉnh, thành phố phía nam, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương phía nam trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Đã có 70% đến 75% số doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, một số địa phương đạt tỷ lệ hơn 90%. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là dựa trên tình hình thực tế, dự báo, sự thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ rơi vào khoảng 35% đến 37%.

Sản xuất tại Công ty TNHH nhựa Nhị Bình, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, Bình Dương. Ảnh minh họa: TRỊNH BÌNH
Sản xuất tại Công ty TNHH nhựa Nhị Bình, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, Bình Dương. Ảnh minh họa: TRỊNH BÌNH

Tâm lý chung của người lao động tại chỗ sau một thời gian dài nghỉ việc, nay được quay trở lại lao động, sản xuất là phấn khởi và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn khi các doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo các mô hình “3 xanh”, “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đều có các cam kết chấp hành tốt các quy định phòng dịch của địa phương, thận trọng khi mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp chỉ thu hút được tối đa khoảng 70% đến 75% số lượng công nhân, lao động so với trước dịch bệnh. Rất nhiều công nhân, lao động trở về quê hương sau một thời gian nay “dùng dằng” chưa muốn quay lại với lý do chỉ còn hai tháng nữa là tới Tết Nguyên đán. Số khác tìm cách trở lại doanh nghiệp nhưng gặp những rào cản: việc đi lại, di chuyển chưa đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố với những quy định bất cập.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động mới để luân phiên sản xuất do vướng quy định  doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng công nhân, lao động đang sinh sống ở các xã, phường, ấp, khu phố “vùng xanh” trên địa bàn.

Nhằm thu hút người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc sau khi hồi hương, các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, mấu chốt của vấn đề là việc làm ổn định, thu nhập tốt hơn so với trước đây. Bởi, người lao động có quyền lựa chọn doanh nghiệp có chính sách tốt hơn để cống hiến sức lao động. Lúc này, doanh nghiệp một mặt đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng, bảo đảm việc làm, mặt khác cần đăng tải công khai, rộng rãi về chế độ tiền lương, phúc lợi, điều kiện lao động, phương tiện đưa đón… để thu hút lao động quay trở lại hoặc tìm kiếm lực lượng lao động mới. Nhất là, xây dựng chính sách đãi ngộ những người lao động, gắn bó, không rời bỏ công ty lúc khó khăn. Phối hợp công đoàn cơ sở, kêu gọi, tạo điều  kiện, tổ chức các chuyến xe đón người lao động nhanh chóng quay trở lại.

Để các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài những nỗ lực tự thân, rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ các cơ quan quản lý nhà nước

Trước mắt, các bộ, ngành chức năng cần đẩy nhanh giải quyết các gói hỗ trợ cho người lao động  bị mất việc, giãn việc do dịch Covid-19; hỗ trợ chi phí để doanh nghiệp tổ chức đón người lao động quay lại; hỗ trợ doanh nghiệp, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn được giảm lãi suất vay ngân hàng; thực hiện chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê mặt bằng; đẩy nhanh việc tiêm đủ hai liều vaccine cho người lao động. Các sở lao động - thương binh và xã hội địa phương tăng cường thông tin về thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung - cầu nhân lực gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp giai đoạn “bình thường mới”…