Hỗ trợ công nhân gặp khó khăn

Dù đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với tốc độ lây lan nhanh, mức độ ngày càng nguy hiểm, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó công nhân là đối tượng dễ bị tổn thương.

Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố tiếp nhận quà tặng của Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tặng công nhân lao động thành phố. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố tiếp nhận quà tặng của Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tặng công nhân lao động thành phố. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 25/8, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch đã ra Lời kêu gọi công chức, viên chức, người lao động cả nước, các doanh nghiệp, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bằng tình cảm và trách nhiệm chung tay cùng chính quyền, tham gia đóng góp, ủng hộ, kịp thời chia sẻ giúp đỡ các công nhân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian từ 25/8/2021 đến 15/10/2021.

Ngay lập tức, trên mạng xã hội, xuất hiện những thông tin bài viết chỉ trích, kích động, cùng với đó là những thông tin, hình ảnh có nội dung bôi nhọ, bịa đặt về đời sống công nhân.

Với lý lẽ cho rằng chính quyền “đổ khó, đổ khổ” cho dân, vu cáo Nhà nước đang bỏ mặc dân, xuyên tạc việc Tổng Liên đoàn ra Lời kêu gọi cho thấy người lao động tiếp tục bị bóc lột, khiến đời sống của họ càng thêm khó khăn... một số kẻ cực đoan, phản động, thiếu thiện chí đã ra sức chống đối, kêu gọi bất hợp tác, thậm chí đặt câu hỏi nghi vấn sự minh bạch của hoạt động ý nghĩa này.

Trong hoàn cảnh rất nhiều công nhân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn vì dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, thậm chí mất việc làm, không còn nguồn thu nhập, đó là hành động ác ý, vô lương tâm nhằm bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối loạn xã hội.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có hơn 36.000 công nhân bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, trong đó có nhiều người đã tử vong, cùng hơn 600.000 công nhân là trường hợp F1, F2 hoặc đang trong khu vực phong tỏa. Cùng với đó, hàng triệu công nhân phải nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, cuộc sống lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người gặp khó khăn bởi dịch bệnh bao gồm cả công nhân lao động, trong đó có 2 gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng. Nhờ đó người dân lao động cũng như người khó khăn, yếu thế trong xã hội đã được trợ giúp kịp thời để có thể tiếp tục cầm cự trong đại dịch. 

Tuy nhiên, nhiều lao động là dân di cư, không có tích lũy, đã thực sự kiệt quệ bởi dịch kéo dài dẫn đến phải giãn việc, nghỉ việc. Chính vì vậy, sự vào cuộc của Tổng Liên đoàn bằng việc kêu gọi ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái, huy động công chức, viên chức, người lao động cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giúp đỡ khẩn cấp những công nhân lao động gặp khó khăn là rất cần thiết. Sự giúp đỡ trên tinh thần tự nguyện có thể thực hiện dưới nhiều hình thức: tiền, nhu yếu phẩm,… Trong cuộc chạy tiếp sức này, sự vào cuộc kịp thời của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước sẽ giúp những lao động gặp khó khăn có thêm điểm tựa. 

Dịch bệnh không chỉ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, các sinh hoạt xã hội bị xáo lộn mà đời sống của nhiều người dân cũng bị suy giảm. Nhưng với tinh thần tương thân tương ái, người Việt luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo ngay cả khi mình không dư dả, luôn có những bàn tay chìa ra khi ai đó gặp khó khăn. Đó chính là tình nghĩa đồng bào. Chính sức mạnh đoàn kết, tương thân tương ái của cả cộng đồng cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị sẽ tạo nên sức mạnh tổng lực để giúp chúng ta sớm vượt qua dịch bệnh, từng bước trở lại cuộc sống bình thường.