Gỡ vướng, đưa nhanh tiền hỗ trợ đến tay người thuê trọ

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự tính có khoảng 3,4 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 6.600 tỷ đồng.

Đề xuất chi hơn 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Đề xuất chi hơn 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong thời gian từ ngày 1/2 đến 30/6/2022 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và 24 tỉnh, thành phố thuộc bốn vùng kinh tế trọng điểm được quy hoạch, thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định này được đánh giá là chính sách rất tốt, kịp thời, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ người lao động. Thông tin nêu trên không chỉ khiến công nhân, lao động đang ở thuê trọ phấn khởi mà nhiều doanh nghiệp còn có thêm động lực nhận thêm đơn hàng. Chính sách đã có, tuy nhiên khi triển khai, đã nảy sinh những vướng mắc khiến nhiều chuyên gia lao động, công đoàn e ngại độ phủ của chính sách có thể không đến được với tất cả công nhân, lao động.

Điều các chuyên gia lao động, công đoàn cũng như đại diện doanh nghiệp băn khoăn là, chính sách chỉ áp dụng cho lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm. Một số công đoàn cơ sở cho biết, về nguyên tắc, lao động thời vụ đang làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, đối với các đối tượng này, nếu các doanh nghiệp không quan tâm, hỗ trợ để họ làm thủ tục thì sẽ thiệt thòi.

Theo quy định tại Quyết định số 08, để nhận hỗ trợ, người lao động phải làm đơn đề nghị theo mẫu, gửi doanh nghiệp tổng hợp. Thời gian xử lý thủ tục, hồ sơ kéo dài trong 11 ngày, buộc các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc, xác nhận nhanh, chính xác để tiền hỗ trợ đến tay đối tượng kịp thời. Tuy nhiên, hiện tại, đa số doanh nghiệp chưa triển khai do đang chờ hướng dẫn. Một số doanh nghiệp linh động ứng tiền cho người lao động, giúp họ giải quyết khó khăn, sau đó làm thủ tục sau. Các chuyên gia cho rằng, việc quy định thời hạn hai ngày làm việc để các đơn vị này tiến hành thủ tục kiểm tra thông tin cũng là khá ngắn, sẽ tạo áp lực lớn trong quá trình giải quyết thủ tục.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều công nhân, lao động khu vực phía nam, một số chủ nhà trọ không muốn cung cấp số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân của mình cho công nhân làm đơn đề nghị hỗ trợ tiền nhà trọ với lý do đó là thông tin cá nhân, không tùy tiện cung cấp. Bên cạnh đó, do chưa hiểu hết, hiểu rõ về quyết định, một số chủ nhà trọ không muốn phiền phức, liên quan đến thủ tục, giấy tờ, vì cho rằng họ cho người có nhu cầu thuê trọ, không cần phải đi “xin” ai.

Để chính sách nhân văn đến với công nhân, lao động sớm nhất, thuận lợi nhất, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi có nhà trọ cho công nhân, lao động, nhất là tổ chức công đoàn cần sớm phổ biến, tuyên truyền tới các chủ nhà trọ để việc cung cấp thông tin về căn cước công dân, chứng minh nhân dân, cũng như xác nhận cho người thuê trọ.

Đời sống công nhân, lao động đang thật sự khó khăn, do đó, việc triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, bộ, ban, ngành để khi có vấn đề nảy sinh, lập tức cùng tháo gỡ, giải quyết để chính sách nhanh chóng đến với người được hưởng thụ. Khi nhận được tiền từ ngân sách, Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, ban quản lý các khu công nghiệp tại địa phương cần có trách nhiệm giám sát, đôn đốc quá trình doanh nghiệp chi trả tiền cho người lao động.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết từ quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Kèm theo đó là ban hành kế hoạch triển khai, giải quyết những vướng mắc cụ thể ở một số địa bàn, tổ chức giám sát, tổng kết đánh giá; không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.

Việc nhanh chóng triển khai hỗ trợ là cần thiết, tuy nhiên các cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ, nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.