Giải quyết kịp thời những lo lắng, bức xúc của người dân

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa được công bố mới đây, trong thời gian qua, hầu hết việc tiếp công dân của các đồng chí Chủ tịch UBND cấp tỉnh không bảo đảm quy định của Luật Tiếp công dân. Số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50%. Đáng chú ý, trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều đồng chí chỉ tiếp dân một, hai ngày, thậm chí có đồng chí không tiếp dân ngày nào. Thực tế cho thấy, Chủ tịch UBND tỉnh thường ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân… tiếp dân thay.

Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội, số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (Ảnh: Báo Thanh tra)
Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội, số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (Ảnh: Báo Thanh tra)

Vì sao có hiện tượng còn Chủ tịch tỉnh chưa thực hiện tốt việc tiếp dân? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Một trong những nguyên nhân chính là nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại, phản ánh liên quan chế độ chính sách; trình báo, phản ánh tình hình an ninh trật tự; đề nghị thực hiện các quyết định đã có hiệu lực… Và đây là những vấn đề rất phức tạp tại nhiều địa phương, có những vụ việc dù đã được các cơ quan chức năng tỉnh giải quyết nhưng người dân chưa thống nhất, không đồng ý, thậm chí bức xúc, bất mãn với kết quả giải quyết bước đầu, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, tố cáo kéo dài…

Công tác tiếp công dân chưa được thật sự quan tâm thực chất ở một số nơi còn do cấp ủy và chính quyền chưa thấu hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động này, chưa coi là một nhiệm vụ, trách nhiệm để người lãnh đạo có thể gần dân hơn, sát dân hơn. Còn có tâm lý e ngại khi tiếp công dân bởi sẽ phải đối mặt với nhiều nội dung phức tạp, không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Còn một số Chủ tịch UBND các cấp chưa quán triệt, chưa chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây là bất cập đã và đang tồn tại nhiều năm qua ở một số địa phương, đơn vị.

Qua thực tế tìm hiểu còn cho thấy, một số cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ, mới chỉ thực hiện chức năng tiếp nhận các văn bản, yêu cầu của người dân mà chưa thể trao đổi, giải thích cho người dân về những vấn đề liên quan. Có không ít vụ việc sau khi tiếp nhận thì khâu giải quyết triển khai chậm, chuyển qua nhiều đầu mối khác nhau nhưng vẫn không có kết quả trả lời thỏa đáng, gây bức xúc cho công dân. Một số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cấp dưới nhưng khi có vướng mắc lại không chủ động báo cáo với các cơ quan chuyên môn cấp trên để kịp thời phối hợp, hướng dẫn, giải quyết để vụ việc kéo dài, gây mất lòng tin của người dân.

Tiếp công dân thường xuyên là một cơ hội tốt để người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thấu hiểu hơn thực tế cuộc sống, trong đó có những băn khoăn, trăn trở, bức xúc chính đáng của nhân dân. Nếu giải quyết tốt, kịp thời những vấn đề đó, người cán bộ lãnh đạo sẽ ghi dấu ấn trong nhân dân, có thêm những kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong quá trình điều hành, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ.

Để công tác tiếp công dân đi vào thực chất và có hiệu quả tốt hơn nữa, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân phù hợp thực tế hiện nay. Trong đó, có thể quy định để các đồng chí Phó Chủ tịch tham gia công tác tiếp dân và Chủ tịch UBND trực tiếp tiếp công dân tùy vào mức độ vụ việc. Bên cạnh đó, cần ban hành chế tài xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân hoặc giải quyết quá chậm trễ, dẫn đến khiếu nại đông người, kéo dài. Tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi về quy định thời gian xem xét giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân. Bởi thực tế cho thấy rõ, việc giải quyết các đơn tố cáo sai phạm, khiếu nại liên quan lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... cần nhiều thời gian để thu thập chứng cứ, xác minh tài liệu, thống nhất các cơ quan chức năng phương hướng giải quyết. Bên cạnh đó, cán bộ tiếp công dân phải là người có trách nhiệm, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến, bức xúc của người dân…