Giải bài toán liên kết nông nghiệp

Vừa qua, tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Trong đó, có nội dung Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại khu liên kết sẽ được hưởng ưu đãi, ưu tiên về thủ tục hải quan; ưu tiên về thời hạn nộp thuế theo pháp luật về thuế, hải quan... khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Người dân làng hoa Vạn Thành, TP Đà Lạt thu hoạch hoa đồng tiền. (Ảnh: VĂN BẢO)
Người dân làng hoa Vạn Thành, TP Đà Lạt thu hoạch hoa đồng tiền. (Ảnh: VĂN BẢO)

Với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”, trung tâm dự kiến sẽ thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản, góp phần hình thành chuỗi liên kết nông nghiệp giữa nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Đồng thời, trung tâm hướng tới giải bài toán bảo quản, tiêu thụ nông sản cho toàn vùng; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và hệ thống logistics nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa nông sản lớn nhất cả nước, hội tụ đủ các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, trái cây... Đây cũng là vùng đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản chung cả nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ. Phần lớn các hộ nông dân, hợp tác xã chỉ tập trung sản xuất mà chưa có điều kiện lưu trữ, bảo quản, chế biến nông sản nên thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”. Thậm chí vào vụ thu hoạch rộ, nông sản không tiêu thụ kịp đành đổ bỏ.

Ngay tại thời điểm này, nhiều loại trái cây của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chịu cảnh ách tắc, ùn ứ khi Trung Quốc tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu phía bắc để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hàng nghìn xe nông sản tươi không có kho trữ lạnh, không được sơ chế, chế biến buộc phải quay đầu về tiêu thụ nội địa với giá bán “chạm đáy” là thiệt hại lớn đối với nhà nông và doanh nghiệp cũng như cả ngành nông nghiệp nước nhà.

Chính vì vậy, việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ là giải pháp căn cơ, thúc đẩy sự hình thành và phát triển bền vững các chuỗi ngành hàng nông sản. Từ đó, nông sản được sản xuất, thu hoạch, tập hợp, bảo quản, chế biến, chào giá một cách chủ động, theo nhu cầu của thị trường trước khi xuất bán chứ không bị động chở hàng tươi lên cửa khẩu chờ thông quan như hiện nay hay phải loay hoay với tình trạng thiếu container lạnh khi xuất hàng tươi qua đường biển. Đây cũng sẽ là điều kiện để nông nghiệp chuyển hướng mạnh mẽ từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch; thay đổi tư duy từ “mạnh ai nấy làm” sang tư duy liên kết, tư duy hợp tác cùng phát triển nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam, mở ra cánh cửa lớn xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao trên thế giới.