Đừng vô cảm khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19

“Biển người” đã đổ về những con phố trung tâm Hà Nội, nhất là ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và các tuyến đường quanh phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) trong tối 21/9 để chơi Trung thu.

Các ngả đường trung tâm Thủ đô Hà Nội tràn ngập người và xe tối 21/9. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)
Các ngả đường trung tâm Thủ đô Hà Nội tràn ngập người và xe tối 21/9. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)

Hình ảnh dòng người ken đặc trong đêm Trung thu năm nay giống hệt như các dịp lễ, Tết những năm trước, khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Điều đáng nói, việc tập trung cả “biển người” như thế lại diễn ra trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố phía nam vẫn đang giãn cách xã hội. Còn chính Hà Nội vừa trải qua bốn đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt, kéo dài gần hai tháng.

Ngày 21/9 là ngày đầu tiên thành phố nới lỏng giãn cách, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không may, trong “biển người” ấy có một vài trường hợp F0, thì hậu quả sẽ khó lường thế nào.

Trong gần hai tháng Hà Nội giãn cách xã hội, hàng chục nghìn người, từ các chiến sĩ công an, quân đội, cho đến cán bộ đoàn thể, tình nguyện viên… phải căng mình để giữ các chốt kiểm soát dịch bệnh; hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế nỗ lực hết mình để chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng… Thành phố phải chấp nhận những thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội để hướng đến cái đích lớn nhất là đẩy lùi dịch bệnh.

Đổi lại, thành phố đã từng bước ngăn chặn dịch bệnh, số ca mắc mới trong những ngày gần đây giảm dần, nhất là các ca mắc trong cộng đồng. Đó là cơ sở để thành phố nới lỏng giãn cách, khôi phục sản xuất.  Xác định 21/9 là Tết Trung thu, nên thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân hạn chế ra đường. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều người có ý thức phòng, chống dịch, thì có không ít người cố tình lầm tưởng 21/9 là ngày “giải phóng”, để “bung”, “xõa” sau những ngày không được ra đường.

Chúng ta biết rằng, để ngăn chặn dịch bệnh, cả hệ thống chính trị đã đổ mồ hôi, nước mắt, nhiều người ở tuyến đầu đã ngã xuống, nhất là tại các tỉnh phía nam. Mỗi ngày, đất nước vẫn có hàng trăm sinh mạng mất đi vì dịch bệnh, hàng nghìn đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi. Hàng nghìn nhân viên y tế phải xa nhà mấy tháng nay vì chi viện cho miền nam phòng, chống dịch. Với Hà Nội, khó khăn vẫn ở phía trước. Bên cạnh sự chủ quan của nhiều người trong đêm Rằm Trung thu, không ít cửa hàng vẫn tranh thủ mở cửa dù chưa thuộc diện được phép hoạt động.

Việc quét mã QR với nhiều nhà hàng ăn uống còn là điều xa xỉ. Một số quán cà-phê cũng đã tranh thủ cho khách ngồi tại chỗ... Đừng vô cảm! Trước khi thỏa mãn những niềm vui cá nhân, hay tìm kiếm lợi ích trước mắt, hãy nghĩ đến những hy sinh, mất mát, những nỗ lực của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh; hãy nghĩ đến lợi ích lâu dài khi dịch bệnh qua đi. Phòng, chống dịch không phải chỉ là việc của cơ quan chức năng; cái cần nhất, chính là ý thức từ mỗi người trong thực hiện các quy định.

GIANG NAM