Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô-tô, ô-tô KDVT hành khách có sức chứa từ chín chỗ trở lên, ô-tô KDVT hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình tham gia giao thông với thời hạn thực hiện lắp đặt phải hoàn thành xong trước ngày 1-7 tới; nếu không sẽ bị xử phạt từ 5 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân và 10 triệu đến 12 triệu đồng với tổ chức KDVT. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Bộ Giao thông vận tải kéo dài thời gian thực hiện quy định về lắp camera hành trình trên các phương tiện kinh doanh vận tải.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Bộ Giao thông vận tải kéo dài thời gian thực hiện quy định về lắp camera hành trình trên các phương tiện kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, nhiều hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp (DN) KDVT cho rằng, với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 như hiện nay, triển khai quy định nêu trên vào thời điểm này sẽ gây “gánh nặng” về tài chính rất lớn cho các DN và đề xuất xin được lùi thời hạn áp dụng xử phạt thêm một năm. Theo tính toán của các DN, chi phí cho việc lắp camera các loại xe khoảng 5 triệu đến 10 triệu đồng/xe; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/năm/xe. Với một DN có từ 50 đầu xe sẽ tốn khoảng 350 triệu đến 550 triệu đồng cho việc lắp đặt.

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho kéo dài thời gian thực hiện quy định về lắp camera hành trình trên các phương tiện KDVT theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thêm 1 năm (đến tháng 7-2022).

Bởi thực tế, do ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nhiều DN KDVT đã phải dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, sản lượng vận chuyển cũng giảm mạnh. Đối với một số tỉnh, thành phố có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có các tuyến vận tải hành khách cố định đi, đến vùng có dịch thì việc KDVT càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chưa kể, ở nhiều địa phương, dù các DN đã và đang thực hiện việc lắp đặt camera theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, nhưng do chưa có một tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể hoặc hướng dẫn thống nhất nào để thực hiện, nên trên thực tế từ khi triển khai đến nay, đã xảy ra nhiều khó khăn, dẫn đến không bảo đảm tiến độ. Trước thực trạng nêu trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã có công văn gửi Bộ GTVT báo cáo và kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn áp dụng việc xử lý vi phạm hành chính liên quan lắp đặt camera trên phương tiện KDVT.

Cụ thể, cơ quan này kiến nghị chưa xử lý vi phạm hành chính do chưa lắp camera đối với ô-tô KDVT hành khách từ chín chỗ trở lên đến hết ngày 30-6-2022 và đối với xe kinh doanh hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đến hết ngày 30-12-2021.

Như vậy, đây được xem là động thái lên tiếng chính thức của cơ quan chức năng, là hành động cụ thể, thiết thực nhằm đồng hành cùng các DN KDVT tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra sau những kiến nghị của hàng loạt DN cũng như các hiệp hội trong thời gian vừa qua. Số liệu thống kê từ cơ quan này cũng cho thấy, trong tháng 5-2021, mặc dù khối lượng hàng hóa vận chuyển có tăng so với tháng 4 và cùng kỳ năm 2020, song khối lượng vận chuyển hành khách giảm 15,1% so với tháng 4, khối lượng luân chuyển hành khách cũng giảm 12,5% so với tháng 4. 

Trong tình cảnh ngành vận tải đang lao đao vì dịch Covid-19 như hiện nay, thiết nghĩ việc chọn một thời điểm thích hợp hơn để triển khai xử phạt, sẽ giúp giảm “gánh nặng” tài chính, là sự cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn với cộng đồng DN khi có thể cho lùi thời hạn xử phạt nhưng vẫn yêu cầu các DN phải bảo đảm việc lắp đặt camera trên các phương tiện KDVT theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã đề ra.

Qua đó, cho các DN thấy được tâm thế đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc dồn mọi nguồn lực, điều kiện giúp các DN vượt qua những tác động của dịch Covid-19. Bởi khi một chính sách ban hành, có lộ trình thực hiện phù hợp với thực tiễn, phù hợp với từng DN, từng lĩnh vực và từng giai đoạn mới có thể giúp các DN dễ dàng thích nghi, tăng khả năng ứng phó các biến động trong tương lai.