Đơn giản hóa từ những thủ tục nhỏ nhất

Ngày 22/6/2021 là dấu mốc lịch sử của chiến dịch thần tốc, quyết liệt và hiệu quả khi Bộ Công an công bố vận hành chính thức hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chíp điện tử từ ngày 1/7/2021.

Công an quận Hoàng Mai phối hợp Công an phường Mai Động làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp tại điểm tiêm chủng.
Công an quận Hoàng Mai phối hợp Công an phường Mai Động làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp tại điểm tiêm chủng.

Cho đến thời điểm hiện tại, công an các địa phương đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 102 triệu phiếu DC01 (phiếu thu thập thông tin dân cư) từ các nguồn; chỉ đạo công an các địa phương rà soát, “làm sạch” dữ liệu trên hệ thống phần mềm và củng cố hồ sơ sổ sách; tàng thư hồ sơ hộ khẩu được hơn 98 triệu nhân khẩu. Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu dân cư được làm sạch, Bộ Công an đã cấp số định danh cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Đối với chiến dịch cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã hoàn thành thu nhận khoảng 63 triệu hồ sơ, in và trả hơn 50 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân.

Với những kết quả nêu trên, “trái tim” của Chính phủ số bước đầu đã được định hình khá rõ nét. Sau khi hoàn thành thu thập dữ liệu dân cư, Bộ Công an đã chủ động khai thác, phát huy hiệu quả ngay trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, nhất là kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm Covid-19 để triển khai thống nhất việc ứng dụng mã QR trên căn cước công dân phục vụ hiệu quả công tác truy xét, quản lý, điều trị đối tượng nhiễm, nghi nhiễm Covid-19. Đến nay, Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ban, ngành và địa phương.

Về lâu dài, người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành vẫn kỳ vọng hơn nữa vào các tiện ích, những cải tiến rõ rệt mà Cơ sở dữ liệu quốc gia mang lại. Vì chỉ khi những dữ liệu đã thu thập, lưu trữ có thể áp dụng vào cuộc sống, khiến những thủ tục hành chính trở nên đơn giản tiện lợi mới cho thấy hiệu quả từ công cuộc chuyển đổi số mà Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện.

Đơn cử như việc cấp lại giấy khai sinh cho người dân không may bị mất, bị thất lạc, nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thiện, có mã định danh, có thông tin về một con người từ khi sinh ra đến nơi ở hiện tại thì rõ ràng cần đơn giản hóa ngay việc cấp lại giấy khai sinh. Nên hướng tới hoàn thiện những khâu nhỏ nhất trước khi nghĩ tới những kế hoạch lớn, dài hơi.

Thời gian tới, Bộ Công an cần thực hiện những “chỉ tiêu” mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề ra tại kết luận về việc phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số và phát triển kinh tế. Đó là, lựa chọn một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu mức độ 4 để ưu tiên triển khai thống nhất, đồng bộ, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, xác thực thông tin người dân dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, phấn đấu cung cấp tất cả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện ngay trong năm 2022 để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những yêu cầu của Phó Thủ tướng cũng là nguyện vọng chung của người dân và doanh nghiệp kỳ vọng vào sự vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

LÊ TÚ