Để công nhân, người lao động được đón Tết an vui

Câu chuyện lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết luôn là điều được người lao động quan tâm và trông chờ nhất vào mỗi dịp cuối năm. Đó thật sự là động lực tinh thần giúp người lao động yên tâm gắn bó hơn với doanh nghiệp trong năm mới.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo báo cáo từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mặc dù năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đa số doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc đóng cửa, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực đến những ngày cuối cùng của năm cũ nhằm bảo đảm, duy trì lương tháng thứ 13 để chia sẻ lợi ích cũng như khó khăn cùng người lao động. Một số doanh nghiệp còn có mức thưởng Tết nhỉnh hơn năm trước.

Có thể thấy, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp ngày càng được phát triển, hài hòa, tiến bộ. Số vụ việc đình công, ngừng việc, tranh chấp lao động giảm đáng kể. Một trong những nguyên nhân góp phần vào sự thành công đó là việc doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới lợi ích của người lao động, quan tâm chăm lo cũng như giữ chân người lao động mỗi khi Tết đến, Xuân về. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh. Đâu đó vẫn có công nhân, lao động ngừng việc do sốt ruột khi chưa thấy doanh nghiệp công khai mức lương thưởng.

Theo nhận định từ các chuyên gia lao động, công đoàn, ngoài một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh có thể có mức thưởng Tết khả quan như tài chính-ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử, thì nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải hành khách vẫn chưa khôi phục được hoạt động, nên khó có thưởng Tết. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, mức lương thưởng phải tùy thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn người lao động gắn bó lâu dài, doanh nghiệp cần cố gắng tính toán một cách kịp thời, hợp lý chế độ khen thưởng dịp Tết, dù ít hay nhiều. Vì thưởng Tết thật sự là “liều vắc-xin tinh thần” quan trọng đối với người lao động. Đó là sự ghi nhận sự cống hiến của mỗi cá nhân đối với doanh nghiệp, là cam kết chăm lo và tạo chất keo sơn giữa người lao động và doanh nghiệp một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

Ở chiều ngược lại, chứng kiến tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề suốt hai năm qua, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp mong mỏi người lao động có những cái nhìn tích cực, sẻ chia khó khăn cùng mình trong vấn đề thưởng Tết. Trong bối cảnh khó khăn chung, việc doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đơn đặt hàng, giữ ổn định sản xuất, việc làm hoặc bảo đảm chi trả 70% lương cơ bản cho công nhân, lao động trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành mới là điều quý giá nhất.

Với động thái từ rất sớm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có công văn gửi các cấp công đoàn trên tinh thần không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết. Theo đó, Tết Nguyên đán Nhâm Dần với chủ đề: “Tết sum vầy, Xuân bình an”, tất cả hoạt động chính trong công tác chăm lo người lao động, các cấp công đoàn đều hướng về công nhân, lao động khó khăn. Các hoạt động chăm lo Tết phải sát thực, đáp ứng được mong muốn, nhu cầu, sự kỳ vọng của người lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch. Kế hoạch nêu rõ: Người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300 nghìn đồng/người.

Nhằm chăm lo chu đáo cho người lao động, bên cạnh nguồn lực xã hội hóa, tổ chức công đoàn dự kiến chi khoảng 2.400 tỷ đồng chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động khó khăn. Trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp không có thưởng Tết, đoàn viên, người lao động vẫn có một gói quà Tết đến từ tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự quan tâm, chăm lo đến từ các Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, để đoàn viên, người lao động yên tâm lao động sản xuất, Tổng Liên đoàn yêu cầu công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. Kịp thời phát hiện và có giải pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản để có những hỗ trợ, động viên, chia sẻ kịp thời.

Việc tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động có cái nhìn toàn cảnh, thấu hiểu và sẻ chia khó khăn cùng doanh nghiệp là việc làm quan trọng, cần thiết của tổ chức công đoàn trong lúc này.