Con đường xanh Tây Nguyên

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm. 

Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên. (Ảnh: Công Lý)
Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên. (Ảnh: Công Lý)

Hoạch định của Chính phủ là phát triển du lịch theo hướng tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong khu vực, giữa vùng Tây Nguyên với các vùng khác trong nước và liên kết quốc tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, toàn vùng.

Mục tiêu trước mắt là hình thành được chuỗi liên kết du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng bằng thương hiệu riêng có của không gian đại ngàn.

Các chuyên gia đánh giá, nếu như miền trung với “Hành trình di sản” mang đến cho du khách những “bữa tiệc” cảm xúc duyên hải thì Tây Nguyên sẽ cung cấp những trải nghiệm, khám phá độc đáo của văn hóa rừng. Khu vực này rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Sức hút của cao nguyên chính là những dòng sông, thác nước, cánh rừng, đỉnh núi; những tộc người bản địa với hệ thống trầm tích, lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang giá trị vô cùng độc đáo. Đó còn là dáng nét đặc thù cao nguyên với những phố thị, buôn làng sơn cước đa dạng sắc màu. 

Tây Nguyên có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như: sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm, hội nghị, hội thảo, canh nông… Trong không gian đại ngàn mênh mang, mỗi vùng quê lại mang dấu ấn một miền huyền thoại. “Con đường xanh Tây Nguyên”, vì thế, càng đa dạng sắc màu.

Cũng từ cao nguyên bazan này, có rất nhiều cơ hội để mở ra các vùng du lịch rộng lớn trong nước, quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng như Lào, Campuchia.

Nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng giàu có. Trong quá trình phát triển du lịch toàn vùng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất còn thiếu; sản phẩm đơn điệu; nguồn nhân lực chưa đạt chất lượng và công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế. 

Theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm phát triển, nhưng có lẽ, một điều khá rõ là các tỉnh trong khu vực chưa thật sự làm tốt khâu liên kết; vẫn làm du lịch theo kiểu manh mún, cục bộ. Du khách không thể bỏ ra một số tiền lớn lên năm tỉnh cao nguyên để phải tham dự các lễ hội, thưởng lãm các thắng cảnh hay thưởng thức ẩm thực na ná nhau. Tỉnh nào cũng muốn hút khách đến với địa phương mình, nhưng lại thiếu những quy hoạch, thiếu những điểm đến mà ở đó mang giá trị khác biệt, không giống với tỉnh bạn. Mục kích cận cảnh, sản phẩm du lịch các tỉnh Tây Nguyên na ná giống nhau đã tạo nên sự trùng lặp, nhàm chán…

Muốn phá vỡ tư duy địa phương, tạo động lực đồng hành phát triển thì không có cách nào khác là phải tăng cường hợp tác, liên kết. Liên kết sẽ tiến tới việc lập nên những quy hoạch phát triển khoa học và phù hợp; sẽ tổ chức những chiến lược quảng bá, xúc tiến mang tầm khu vực; sẽ xây dựng được thương hiệu du lịch toàn vùng và gỡ bỏ thực trạng “đèn nhà ai nấy rạng”, mạnh ai nấy làm. 

Liên kết sẽ tăng thêm sức mạnh, tăng thêm tính bền vững và lực hấp dẫn. Liên kết sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, không trùng lặp. Từ đó, hình thành những giá trị đặc thù của mỗi địa phương nhưng vẫn giữ được bản sắc chung mà du khách có cơ hội thụ hưởng trên hành trình khám phá Tây Nguyên. 

Đã đến lúc du lịch Tây Nguyên cần bàn thảo, thống nhất cho một kịch bản liên kết. Và trước hết, cần một “nhạc trưởng” cho bản hòa tấu du lịch toàn vùng. “Nhạc trưởng” - ban điều phối liên kết du lịch vùng, lấy khung chính là “Con đường xanh Tây Nguyên” để các tỉnh bám vào, từ đó mới hình thành các sản phẩm đặc thù. Các cơ quan nhà nước định hướng để cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng góp sức, chung tay...