Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cá tra

Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam đủ điều kiện tương đương với Hoa Kỳ.

Trước đó, theo Ðạo luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill 2014) được cụ thể hóa bằng Chương trình thanh tra cá da trơn (bộ Siluriformes) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ban hành tháng 3 -2016, có hiệu lực từ ngày 1 - 9 - 2017, thì để tiếp tục xuất khẩu cá da trơn (chủ yếu là cá tra) vào Hoa Kỳ, Việt Nam phải xây dựng và tổ chức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm tương đương với Hoa Kỳ trên ba nhóm tiêu chí: hệ thống pháp luật trong kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; Năng lực thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền; Ðiều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến đến xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ.

Như vậy, sau hơn ba năm nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, các sản phẩm cá tra Việt Nam đã đàng hoàng xuất khẩu vào thị trường đòi hỏi rất cao như Hoa Kỳ trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Ðây được đánh giá là cơ hội lớn cho lĩnh vực xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh chín tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này chỉ đạt 208,3 triệu USD, giảm tới 43,6% so với cùng kỳ năm 2018 - mức sụt giảm lớn trong vòng 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, sự công nhận của FSIS cũng là cơ sở quan trọng để cá tra Việt Nam khẳng định chất lượng trên nhiều thị trường trọng điểm khác như châu Âu, Bra-xin, Mê-hi-cô… Việc đạt được các quy chuẩn quốc tế cũng sẽ góp phần chuyển mạnh ngành hàng cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn, bền vững trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng.

Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra phát triển bền vững, tránh tình trạng trồi sụt như thời gian qua thì ngành hàng này còn nhiều việc phải làm. Trước hết là tổ chức tốt việc thực thi chương trình kiểm soát trong sản xuất, kinh doanh cá tra để duy trì sự công nhận từ phía Hoa Kỳ. Theo quy định, sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giám sát, định kỳ thanh tra lại hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, kinh doanh cá tra Việt Nam. Sau đó là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh để mở rộng thị trường. Yêu cầu này xuất phát từ thực tế là nhiều nước đã đẩy mạnh nuôi cá tra, khiến cá tra Việt Nam không còn giữ vị thế độc quyền "một mình một chợ" như nhiều năm trước.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện sản lượng cá tra của Ấn Ðộ cũng đạt 650 nghìn tấn/năm, Băng-la-đét 450 nghìn tấn/năm, In-đô-nê-xi-a 110 nghìn tấn/năm. Sản phẩm cá tra của các nước này cũng đang cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, dự báo trong tương lai, thị trường tiêu thụ sẽ còn nhiều biến động, đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, người nuôi cá tra... phải có giải pháp chủ động thích ứng. Trong đó cần đặc biệt chú ý tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng đầy đủ nhất các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Những thuận lợi và khó khăn vừa trải qua trong thời gian qua đã cho thấy, để giữ đà tăng trưởng bền vững trong xuất khẩu cá tra, đòi hỏi sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của nhà sản xuất, đơn vị chế biến, xuất khẩu cũng như sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng. Có như thế, mới bảo đảm quá trình xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu cá tra ổn định, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, làm ăn lớn.