Chưa quá lo về nhập siêu

Kể từ tháng 4, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam bắt đầu có tốc độ tăng cao hơn xuất khẩu với mức nhập siêu đạt 1,2 tỷ USD. Do xuất siêu trong ba tháng lớn, nên tính chung bốn tháng, cán cân thương mại vẫn thặng dư. Tuy nhiên, đà tăng trưởng lớn hơn của nhập khẩu tiếp tục duy trì sang tháng 5, ước khoảng 2 tỷ USD đã khiến cán cân thương mại tính chung 5 tháng là nhập siêu 369 triệu USD.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù nhập khẩu tăng cao, nhưng nếu phân tích kỹ, cơ cấu hàng nhập khẩu vẫn tương đối ổn định khi nhóm hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất như máy tính, sản phẩm điện tử các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giày và nhóm hàng nhiên liệu như xăng dầu, than, dầu thô;… tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn. Thực tế, nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tăng cao gần đây là do giá cả hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu tăng. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu 5 tháng tăng 41,5% do giá tăng 26,1% so cùng kỳ; chất dẻo nguyên liệu tăng 50,6% do giá tăng 25,6%; sắt thép tăng 37,9% do giá tăng 26,3%; kim loại thường khác tăng 50,5% do giá tăng 28,6%;… Bên cạnh đó, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày cũng tăng mạnh. 5 tháng, nhập khẩu vải đạt sáu tỷ USD, tăng 33%; nguyên phụ liệu dệt, may, da đạt 2,8 tỷ USD, tăng 32,5%; xơ, sợi dệt các loại đạt 1,12 tỷ USD, tăng 34,4%; bông đạt 1,3 tỷ USD, tăng 19,7%.

Dệt may và da giày vốn là nhóm hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta đều phải thực hiện biện pháp giãn cách trong năm 2020 và đầu năm 2021. Ðến nay, những tín hiệu khả quan về việc triển khai tiêm chủng mở rộng cũng như dự báo về sự mở cửa lại của các quốc gia, đi cùng với cầu tiêu dùng được hồi phục đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các ngành dệt may, da giày nhằm chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu. Nhập khẩu tăng cao, nhưng vẫn tập trung vào nhóm nguyên, nhiên, vật liệu, tư liệu sản xuất, khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ và với bối cảnh đang có những tín hiệu tích cực về phục hồi cầu tiêu dùng tại thị trường các nước phương Tây, thì nhu cầu đầu vào gia tăng phục vụ sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho giai đoạn tới là phù hợp. Ngoài ra, có nguyên nhân khác dẫn tới nhập siêu trong tháng 5 là một số nhóm hàng vốn có kim ngạch xuất khẩu cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện;… giảm nhẹ so tháng trước do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh lây lan tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Trong thời gian tới, xuất khẩu tiếp tục có những yếu tố thuận lợi như triển vọng tăng trưởng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh việc cầu hàng hóa ở các thị trường đang dần hồi phục, các dự án lớn của doanh nghiệp FDI từ làn sóng chuyển dịch đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện tử, sản xuất máy móc thiết bị,… sau khi đi vào hoạt động cũng sẽ được kỳ vọng là yếu tố đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Ðể đẩy mạnh xuất khẩu, với việc thị trường nước ngoài có dấu hiệu hồi phục trở lại sau khi đã triển khai tiêm vắc-xin và nới lỏng các biện pháp giãn cách, theo Cục Xuất nhập khẩu, cần thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày, thủy sản. Thực tế các tháng gần đây, xuất khẩu các mặt hàng này cũng đã có tín hiệu tích cực. Bộ Công thương sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thông qua tăng cường công tác thông tin về nhu cầu nhập khẩu cũng như biến động thị trường nước ngoài, qua đó doanh nghiệp có thể định hướng sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm phù hợp.

Ðể đẩy mạnh khai thác các cơ hội từ các FTA, Bộ Công thương cần phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến cho doanh nghiệp với hình thức đa dạng, nhất là dưới hình thức trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết, các công việc cần triển khai; xây dựng đầu mối hỗ trợ để thực thi FTA hiệu quả; liên kết đầu mối thực thi tại các bộ, ngành và địa phương. Về trung và dài hạn, cần tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thái Linh