Chặt chẽ ngay từ khâu cấp bản quyền

Những ngày vừa qua, tranh chấp giữa hai công ty Sen Vàng và Minh Khang xoay quanh bản quyền sử dụng tên gọi cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đáng nói, cả hai công ty đều sở hữu hồ sơ pháp lý chứng minh việc tổ chức, sử dụng tên gọi cuộc thi là căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Ảnh minh họa. (Nguồn: canva.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: canva.com)

Cụ thể, Sen Vàng - công ty tổ chức cuộc thi “Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” có giấy chứng nhận cấp bởi đơn vị tổ chức và sản xuất cuộc thi “Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình quốc tế” về việc được phép tổ chức cuộc thi này tại Việt Nam để chọn ra người đẹp đủ điều kiện đại diện cho đất nước tham gia cuộc thi quốc tế. Công ty này còn cung cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đã được cơ quan có thẩm quyền cấp đối với kịch bản và logo cuộc thi.

Trong khi đó, Minh Khang - công ty tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” (tên tiếng Anh là “Miss Peace Vietnam”) cũng đưa ra giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với kịch bản chương trình cuộc thi theo năm và các quyết định công nhận quyền sở hữu trí tuệ với các nhãn hiệu kèm hình như: Miss Peace Vietnam, Miss Peace International, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa khôi Hòa bình Việt Nam.

Kết quả cuối cùng của cuộc tranh chấp sẽ cần sự vào cuộc phân xử của các cơ quan chức năng. Song từ sự trùng hợp khá nhiều nội dung trong tên gọi của hai cuộc thi nhan sắc nêu trên, không ít người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong khâu cấp chứng nhận bản quyền. Đành rằng, kịch bản và hình ảnh logo của hai cuộc thi là khác nhau, hai tên “Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” và “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” cũng vẫn chứa những yếu tố khác biệt, có nghĩa về cơ bản, cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng nhận cho hai cuộc thi riêng rẽ về cả mục đích, quy trình, quy mô tổ chức.

Tuy nhiên, sự trùng khớp, cơ bản ở phần tên gọi tiếng Việt giữa hai cuộc thi rất dễ gây ra nhầm lẫn cho cả thí sinh dự thi lẫn người hâm mộ và công chúng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có rất nhiều cuộc thi nhan sắc như hiện nay. Nếu ngay ở khâu xem xét hồ sơ đăng ký, sự trùng hợp này được phát hiện từ đầu để một trong hai bên có phương án điều chỉnh, thay đổi tên gọi (hoặc chỉ sử dụng tên gọi tiếng Anh) thì có lẽ sẽ không xảy ra những tranh chấp như vậy.

Việc đăng ký bản quyền tác giả - một trong những quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước Việt Nam thừa nhận và bảo hộ là để tránh khỏi các hành vi xâm phạm, bảo đảm hoạt động sáng tạo được diễn ra trong môi trường công bằng, lành mạnh. Vì thế, khâu cấp chứng nhận bản quyền cho các sản phẩm sáng tạo thiết nghĩ ngay từ đầu đã cần một “bộ lọc” chặt chẽ. Việc đồng ý công nhận bản quyền cho những sản phẩm sáng tạo cùng nhóm dù chỉ trùng nhau ở một số thành tố cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những xung đột bản quyền về sau, ảnh hưởng quyền lợi, uy tín của chính những chủ sở hữu bản quyền và gây nhầm lẫn cho các đối tượng thụ hưởng sản phẩm sáng tạo.

Đối với các cuộc thi sắc đẹp, thay vì quy định chỉ tổ chức không quá hai cuộc thi cấp quốc gia trong năm, Nghị định thay thế về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực từ tháng 2/2021 đã nới lỏng hơn theo hướng không giới hạn số lượng mà tăng cường hậu kiểm để tạo sự thông thoáng, cởi mở. Nhưng càng cởi mở, thông thoáng bao nhiêu, công tác “gác cổng” của đơn vị cấp chứng nhận bản quyền càng cần kỹ lưỡng, cẩn trọng bấy nhiêu. Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp có hơn một đơn vị cùng đăng ký bản quyền sản phẩm với tên gọi giống nhau ở những thời điểm gần nhau, đơn vị có thẩm quyền cần tính đến cả những yếu tố thực tế như tính lịch sử, tính thực tế, tính phổ biến… của sản phẩm để đưa ra quyết định cấp chứng nhận cho bên nào và bên nào cần điều chỉnh.

Quay lại câu chuyện hai cuộc thi sắc đẹp có tên gọi mang nhiều yếu tố trùng nhau, có thể nói đây chỉ là trường hợp hy hữu, song là bài học đối với cả đơn vị đăng ký bản quyền và đơn vị cấp chứng nhận bản quyền. Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đưa ra quyết định cuối cùng. Bên cạnh kết luận về quyền sử dụng tên gọi đã đăng ký cũng cần làm rõ chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với kịch bản một cuộc thi nhan sắc có tính chất khác thế nào với chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với kịch bản chương trình cuộc thi theo năm để tránh những tranh chấp về sau.

Về phía hai công ty đang cùng sở hữu những căn cứ pháp lý cho việc sử dụng tên gọi cuộc thi của mình, cũng cần có sự lắng nghe nhau để đưa ra ứng xử phù hợp, giúp bảo đảm sức hấp dẫn của từng cuộc thi, quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký dự thi cũng như uy tín nói chung của các cuộc thi sắc đẹp.