Câu chuyện về chuỗi giá trị kép khép kín trong nông nghiệp

Đó là chuỗi giá trị giữa người chăn nuôi và người trồng trọt ở nhiều địa phương đang âm thầm diễn ra mà nếu như không hỏi thì cũng không ai cho biết công việc họ đang làm lâu nay.

Trồng nho sạch, cho thu nhập cao ở Ninh Thuận.
Trồng nho sạch, cho thu nhập cao ở Ninh Thuận.

Ví như chuyện kết hợp hài hòa giữa người chăn nuôi và người trồng trọt ở tỉnh Ninh Thuận.

Đó là chuyện người trồng nho, thu hoạch xong mùa nho họ sẽ bán lá và cành nho cho người nuôi dê. Người nuôi dê lại bán phân dê cho người trồng nho. Một vòng tròn trao đổi sản phẩm phụ và kín đáo. Và ở nhiều địa phương khác, người nuôi bò đổi phân lấy phần rơm trên đồng ruộng của người khác, tránh tình trạng phải đốt rơm khô trên đồng.

Trở lại với câu chuyện người trồng nho và người nuôi dê ở Ninh Thuận. Nhận thấy, ở các ruộng nho bây giờ, không những chỉ cho thu hoạch trái nho bán, mà còn hình thành một giá trị khác, đó là bán được vé cho khách du lịch tham quan trải nghiệm vườn nho trong hành trình khám phá Ninh Thuận. Tiền vé không nhiều nhưng vấn đề là thiết kế chương trình du lịch có thêm nội dung, tạo ra điểm đến và theo đó còn bán được các sản phẩm phụ từ nho cho du khách mua làm quà.

Nhưng còn một sản phẩm phụ, sản phẩm cuối cùng của cây nho đó là cành và lá nho sau khi đã thu hoạch quả nho sẽ đi về đâu? Trước đây, cành và lá đều phải cắt bỏ làm phân xanh hoặc vứt bỏ, tấp đầu bờ cuối bãi thì nay, tất cả đều bán cho người chăn nuôi dê.

Ở nhiều chuồng trại nuôi dê không thả rông là giống dê: Bách Thảo, Boer. Trước đây, hai giống dê này đều nhập khẩu, nay đã chủ động nguồn giống. Đây là giống dê lớn nhanh, siêu thịt, trọng lượng xuất chuồng có thể đạt từ 60 - 70 kg trong một lứa nuôi khoảng sáu tháng.

Cây nho thích nghi với vùng nhiều nắng, dê thích hợp với khí hậu ít mưa. Trước đây, hộ nuôi dê phải cần đến những cánh rừng hay quả đồi lớn để thả đàn dê thuần chủng kiếm cỏ, kiếm lá. Nay, diện tích đồi hoang đất trống vô chủ đã không còn, nhiều người muốn nuôi dê, phát triển thêm thu nhập cho kinh tế gia đình mình lại phải tính toán theo cách khác.

Người đọc, người xem thường định hình trong đầu rằng ở Ninh Thuận có nhiều người theo đàn dê lang thang trên những trảng cát khô cằn để tìm nước, tìm cỏ, tìm lá cho đàn dê. Nay, chuyện đó vẫn còn nhưng đã hiếm dần. Với nhu cầu tiêu thụ thịt dê rất lớn trên thị trường, đàn dê chăn thả theo cách này sẽ không đủ thức ăn tự nhiên để cung ứng.

Người nuôi dê thả đồi rừng đã chuyển sang nuôi dê trong chuồng trại. Thức ăn cho dê là các sản phẩm cuối của trồng trọt, như lá nho, lá đậu đen, đậu nành... kết hợp một loài cỏ trồng cho dê ăn, qua đó chủ động được nguồn thức ăn cho đàn dê. Để thực mắt chứng kiến, tai nghe, khách cứ về thăm chơi thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) sẽ nhìn thấy những chiếc xe máy chở bì lá nho tươi đưa đến những chuồng trại nuôi dê.

Cách làm hay ở đây là nhiều hộ không có đất trồng nho thì nuôi dê chuồng trại. Nuôi dê trang trại bảo đảm môi trường sạch sẽ lại cho một nguồn thu khác, đó là gom được phân dê bán cho các hộ trồng nho, bón cho cây nho.

Khi mua lá nho cho dê ăn, dê được đổi bữa thay cỏ, kích thích tiêu hóa, lớn nhanh hơn so với chỉ ăn đơn thuần một loại thức ăn. Để có một lứa nho xum xuê không những phải cắt ngọn tỉa cành mà phân bón hữu cơ cũng rất cần thiết. Phân dê hạt nhỏ, đồng đều, nén rất chặt, nhồi vào đất cũng không cần nong sâu, khoét rộng. Đây là một vòng khép kín, có lợi ích chung giữa người trồng trọt và người chăn nuôi, đem đến sự hưởng thụ môi trường rất sạch sẽ, gọn gàng.

Những hộ trồng nho cũng không lo lắng người cắt cành lá nho quá chậm ảnh hưởng đến vụ sau của mình. Ở đây, các hộ nuôi dê đều có một thỏa thuận với nhau, bữa nay, hộ nhà này kêu cắt lá nho, họ cùng xuống làm sạch trong một vài ngày, bữa khác, hộ khác kêu cắt lá nho, họ lại đồng loạt qua đó, giữa họ có một thỏa thuận bằng miệng thôi nhưng rất chặt chẽ trong một quan hệ cộng sinh, cùng thắng.

Dê là vật nuôi của người nghèo. Cây nho là cây được chọn trồng trên vùng đất thiếu nước ngọt tưới tiêu. Nhưng giữa vật nuôi, cây trồng này lại có sự kết hợp hữu cơ hoàn hảo. Chúng ta đang nhắc nhiều đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xem nông dân trồng nho - nuôi dê mới thấy, phải chăng kinh tế tuần hoàn chẳng phải là khái niệm kinh tế xa vời, mà chính là sự tận dụng, là sự tiết kiệm nguyên vật liệu, là sự liên kết giữa những người sản xuất, giữa các ngành sản xuất, mà bản chất là dùng sản phẩm đầu ra hoặc phế phẩm của ngành này làm nguyên liệu đầu vào cho ngành khác.

Đó cũng là cách làm của những người sản xuất có ý thức tiết kiệm, biết tận dụng lợi thế, đặc điểm sinh thái vùng một cách khoa học đi kèm bảo vệ môi trường.

NINH NGUYỄN