Cần coi trọng phòng vệ thương mại

Định hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ về kinh tế đã giúp hoạt động xuất khẩu trở thành điểm sáng của nền kinh tế thời gian vừa qua. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu càng cao, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng càng phải chú trọng đến các biện pháp phòng vệ thương mại.

Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt mức kỷ lục. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%. Nhờ đó, Việt Nam lọt tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nhanh chóng lọt vào tốp đầu thế giới như gạo, tiêu, điều, dệt may…

Việc hàng hóa Việt Nam ngày càng định danh rõ hơn trên bản đồ thế giới là tin vui, song cũng khiến doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tính đến hết tháng 4/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại không bao giờ là chuyện dễ chịu, bởi sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, thuê tư vấn pháp lý đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài dẫn đến tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Nhiều nước coi phòng vệ thương mại là "van an toàn" trong chính sách ngoại thương để ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc bị điều tra phòng vệ thương mại, thậm chí bị áp thuế sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cũng như kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Để ứng phó nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cũng như ứng phó, xử lý các cuộc điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam, và cả khi hàng hóa Việt Nam đã bị áp thuế, Bộ Công thương đã tăng cường cảnh báo sớm; sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các kịch bản có thể xảy ra.

Trong một số vụ việc, Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành liên quan trực tiếp cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác. Mặt khác, Bộ Công thương cũng trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi nhận thấy các cáo buộc không có cơ sở hoặc phát hiện trong hoạt động và kết luận điều tra có điểm chưa phù hợp các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhờ những nỗ lực đó, trong nhiều vụ việc, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn cử, trong một số vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đều không bị áp thuế chống bán phá giá (như cá tra-basa, tôm, lốp xe). Trong hầu hết các vụ việc Canada điều tra chống trợ cấp đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra của Canada đều có kết luận chung là doanh nghiệp của Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể...

Tuy nhiên, nỗ lực của các cơ quan chức năng là không đủ, bởi thương mại càng phát triển, rủi ro sẽ ngày càng lớn. Do đó Bộ Công thương liên tục khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp cần chủ động hơn trong phòng tránh. Đồng thời lưu ý, trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc; có thể xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật phòng vệ thương mại của WTO và nước điều tra (nếu cần); phối hợp với hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu khác để cùng xử lý; trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại để thống nhất nội dung trả lời trong vụ việc điều tra chống trợ cấp hoặc vấn đề "thị trường đặc biệt" trong vụ việc điều tra chống bán phá giá để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.