Cải cách thực chất điều kiện kinh doanh

Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện rõ rệt. Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng mạnh mẽ,...

Ảnh minh họa. Ảnh: NGỌC DUY
Ảnh minh họa. Ảnh: NGỌC DUY

Báo cáo PCI năm 2021 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tuy nhiên phản hồi từ hơn 11.300 doanh nghiệp thì vấn đề cải cách thể chế tại các địa phương vẫn luôn là một giải pháp quan trọng được thực hiện song hành với các công cụ tài khóa và tiền tệ.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn. Theo đó, 87% doanh nghiệp đồng ý “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 83% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”; 75% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục”.

Những nỗ lực phòng, chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Điểm đặc biệt quan trọng là chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chi trả tiếp tục xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực liên quan doanh nghiệp. Năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp phải chi tiền “lót tay” nói chung giảm xuống 41,4% so với mức 44,9% của năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%). Bên cạnh đó, quy mô khoản chi phí không chính thức cũng giảm đáng kể theo thời gian, số doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 10% doanh thu để chi trả các chi phí giảm xuống chỉ còn khoảng 4,1%, thấp hơn đáng kể so với 5 năm trước (năm 2016 chiếm 9,1%).

Song, PCI 2021 cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề cần tiếp tục cải thiện như: cải cách thủ tục cấp các loại giấy phép kinh doanh; cải thiện việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp hay triển khai hiệu quả và thực chất hơn nữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế,… Cùng với đó, tỷ lệ các doanh nghiệp trả chi phí không chính thức vẫn còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng (67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (61,36%).

Vì vậy, để duy trì sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, các địa phương cần tiếp tục tập trung cải cách thực chất hơn nữa những điều kiện kinh doanh, thể chế kinh tế nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục triển khai dự án nhằm tiếp tục cải thiện PCI. Bởi PCI là bộ chỉ số của hành động, thúc đẩy hành động thực chất ở chính quyền các địa phương, là cơ sở để nhìn lại những kết quả được và chưa được, từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Từ báo cáo PCI 2021 có thể thấy, chính quyền các địa phương vẫn cần tiếp tục cải cách, để thật sự trở thành “bệ đỡ” cho doanh nghiệp trụ vững và phát triển, gia tăng quy mô sản xuất, có thêm nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.