Bảo vệ trẻ em trong đại dịch

Tại Việt Nam, đợt dịch lần thứ tư bùng phát nghiêm trọng đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống kinh tế - xã hội. Trong đợt dịch này, Covid-19 xâm nhập vào trẻ em nhanh và nhiều hơn, đến ngày 31/8/2021, đã có 11.822 trẻ em là F0, 27.344 trẻ em là F1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)

Các ca nhiễm tập trung phần lớn tại các tỉnh, thành phố phía nam. TP Hồ Chí Minh, nơi đang chịu tác động nặng nề của đại dịch, đã có hơn 3.000 em là F0, gần 250 em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Covid-19 đã xâm nhập vào các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Tại Hà Nội, 5% số ca mắc trong tháng 7 là trẻ em từ 0-5 tuổi...

Đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho thấy, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến trẻ em ở nhiều chiều. Nhiều trẻ nhiễm Covid-19 phải điều trị, bị đe dọa về tính mạng, phải đi cách ly y tế tập trung, hoặc trở thành trẻ mồ côi do cha mẹ qua đời vì Covid-19 làm thay đổi, xáo trộn môi trường sống... Bên cạnh đó, học tập bị gián đoạn và gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng. 

Năm học mới đã bắt đầu, nhiều địa phương phải tổ chức dạy học trực tuyến. Trẻ em cấp tiểu học, do hạn chế về sức khỏe và kỹ năng sử dụng công nghệ gặp khó khăn hơn khi phải học trực tuyến. Đối với nhóm trẻ em thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em tại một số cơ sở nuôi dưỡng và nhóm trẻ em khuyết tật, việc học tập bị gián đoạn, do thiếu các phương tiện để học qua mạng. Ước tính, có khoảng 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non...

Nghiêm trọng hơn là, nguy cơ sang chấn tâm lý ở trẻ nhỏ, gia tăng tình trạng xâm hại, bạo lực, mất an toàn cho trẻ em do giãn cách xã hội và suy thoái kinh tế, mất việc làm. Theo Bộ Công an, trong sáu tháng đầu năm 2021, cả nước phát hiện 1.233 vụ xâm hại trẻ em (tăng 21.8% so cùng kỳ năm 2020) với 1.284 trẻ bị xâm hại (tăng 21.2%).

Có thể thấy, những vấn đề xã hội, đặc biệt tác động đến trẻ em, gia đình không chỉ xuất hiện ngay trong đại dịch mà sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các mục tiêu phát triển toàn diện của trẻ em.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em trong đại dịch Covid-19, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành tổ chức, nhiều đề xuất đã được đưa ra, trong đó, phải ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế; triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, đặc biệt bảo vệ trẻ trong các cơ sở cách ly tập trung; bố trí tiêm phòng vaccine cho trẻ em khi có đủ điều kiện. Khẩn trương nghiên cứu, thành lập cơ sở bảo trợ xã hội chuyên trách tiếp nhận, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19...

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng, chống xâm hại, bạo lực trong đại dịch Covid-19 cho học sinh qua bài giảng trực tuyến; xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ em hộ nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi học tập trực tuyến...

Và về lâu dài, cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch Covid-19 làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù bảo vệ, chăm sóc trẻ em sau đại dịch; ban hành chính sách pháp luật, kế hoạch ứng phó, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh.