Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam

Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, hiện có ít nhất bốn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST 25 tại Mỹ, đang chờ duyệt cấp quyền bảo hộ. Gạo ST 25 được tạo ra từ giống lúa ST 25 do nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo. Gạo ST 25 được biết đến nhiều và nổi tiếng từ khi đoạt Giải nhất cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" và đoạt Giải nhì cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2020". Ngay sau đó, tại thị trường trong nước, ST 25 đã xuất hiện tràn lan, khó phân biệt thật, giả, khiến nhiều người lo lắng về vấn đề bảo vệ thương hiệu.

Tuy nhiên, đến nay, nỗi lo đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia khi thương hiệu gạo ST 25 được doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại thị trường Mỹ. Nếu được chấp thuận thì khi Việt Nam xuất khẩu loại gạo này sang Mỹ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu.

Theo một số chuyên gia thương hiệu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đến thời điểm này, chưa chắc chắn nhãn hiệu gạo ST 25 có được chấp thuận đăng ký bảo hộ tại thị trường Mỹ hay không. Trong trường hợp được đăng ký thì các tổ chức, cá nhân liên quan có thể phản đối. Mặc dù vậy, việc tiến hành các thủ tục pháp lý để phản đối cũng là cả hành trình gian nan từ phía doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi sự am hiểu về luật pháp nước sở tại; có hồ sơ chứng minh chủ sở hữu hợp pháp gạo ST 25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm…, dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc thuê luật sư, chuyên gia thương hiệu để theo đuổi vụ việc đến cùng. Con đường "nhiêu khê" đó không hẳn các doanh nghiệp trong nước không biết, nhưng thực tế, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản Việt Nam ở nước ngoài gặp vô vàn khó khăn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do kinh phí đăng ký tương đối lớn, bao gồm các chi phí cho luật sư ở nước sở tại, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký, chưa kể các chi phí tìm hiểu và khảo sát thị trường… Chính vì vậy, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chần chừ, không ít nông sản trong nước đã bị doanh nghiệp nước ngoài "nhanh chân" đăng ký thương hiệu. Trước gạo ST 25, cà-phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, thậm chí phở Việt… cũng đã gặp tình trạng tương tự.

Sự việc này một lần nữa cho thấy, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản tại thị trường nước ngoài đã trở thành vấn đề cấp bách, nhất là trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao trên thế giới. Do vậy, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu các quy định và đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình tại các thị trường tiềm năng, thậm chí nên làm trước khi phát triển thị trường. Về phía các cơ quan chức năng, với những quy định hiện hành thì không có cơ quan nào có thể "làm thay" doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nhưng chắc chắn thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo về tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu. Ðồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp thông tin cụ thể, chi tiết các thủ tục cần thiết về đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, giúp doanh nghiệp nắm bắt rõ ràng nhiệm vụ, quy trình; chủ động lựa chọn thời điểm đăng ký phù hợp, để bảo vệ toàn diện sản phẩm nông sản của mình cả về tên gọi và chất lượng.