Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch

Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam, một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận các chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và chủ động thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay từ đầu tháng 5, nhiều địa phương đã phải cho học sinh, sinh viên nghỉ học và học trực tuyến tại nhà. Các em học sinh các cấp trải qua “mùa Covid” thứ hai, với bao nhiêu sự xáo trộn trong học tập cũng như sinh hoạt. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, số trẻ em phải cách ly tại gia đình hoặc ở các địa bàn phải giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung tiếp tục tăng lên. Trong đó, nhiều em nhỏ phải đi cách ly, xa cha mẹ, gia đình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn; bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm bệnh và phải tự lập trong cuộc sống hằng ngày, các em nhỏ còn có nguy cơ cao bị sang chấn tinh thần, khủng hoảng tâm lý. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), hiện có khoảng 6% trường hợp phải cách ly F1 là trẻ em (có khoảng hơn 4.000 trẻ em là F0 và F1), số lượng này có thể gia tăng khi lượng cách ly tại khu công nghiệp, khu chế xuất tăng lên.
 
 Trước thực tế nêu trên, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB và XH) đã nhanh chóng có công văn về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch. Theo đó, đề nghị Sở LĐ-TB và XH các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung; sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, phối hợp các ngành, các đơn vị chức năng tại địa phương tham mưu UBND các tỉnh, thành phố triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp PCD; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em…
 
 Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính bàn về tình hình, giải pháp cấp bách PCD Covid-19, tổ chức sáng 29-5 mới đây, Bộ trưởng LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB và XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 đến 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung, theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức hỗ trợ 80 nghìn đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, áp dụng từ ngày 27-4 đến 31-12-2021, nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB và XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, cùng tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ hỗ trợ cho ba tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1,2 tỷ đồng để PCD, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
 
 “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh” cũng là thông điệp chính của Tháng hành động vì trẻ em năm 2021. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021, một số bộ, ngành đã có văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động, như: Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và một số bộ, ngành liên quan tổ chức cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin; T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chương trình khai mạc hè, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6...
 
 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian tới, cơ quan chức năng các bộ, ngành, địa phương, nhất là Cục Trẻ em cần đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mạng viễn thông về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tới gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em. Đặc biệt, đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp PCD Covid-19 và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch, trong đó yêu cầu cập nhật liên tục số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung; sử dụng hiệu quả ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.