Bảo đảm tính an toàn và hiệu quả của vaccine

Vaccine Nanocovax vừa hoàn thành đợt tiêm đầu của thử nghiệm giai đoạn ba, với 1.000 người tiêm. Theo kế hoạch, đợt hai của giai đoạn này sẽ tiêm thử nghiệm trên quy mô 12 nghìn người.

Bảo đảm tính an toàn và hiệu quả của vaccine

Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine này cho biết, dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng thì khả năng sinh miễn dịch của vaccine đạt 99,4%, các phản ứng phụ được kiểm soát tốt.

Việc vaccine Nanocovax vượt qua các giai đoạn nghiên cứu, bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng với nhiều kết quả khả quan là bước tiến quan trọng, khẳng định quyết tâm đi cùng thế giới nghiên cứu vaccine phòng, chống đại dịch của các nhà khoa học trong nước và chứng tỏ tiềm lực khoa học của Việt Nam.

Hiện tại, với tiến độ và những kết quả khả quan từ các lần tiêm thử nghiệm, nhiều người kỳ vọng, vaccine Nanocovax sẽ thành công và có thể triển khai tiêm rộng rãi cho người dân để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Cơ quan quản lý và đơn vị nghiên cứu cũng đã nỗ lực, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu trong bối cảnh nguồn vaccine phòng Covid-19 toàn cầu chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trên thế giới và ở nước ta. Tuy nhiên, để được đưa vào sử dụng rộng rãi cho cộng đồng, vaccine nào cũng phải trải qua những quá trình đánh giá nghiêm ngặt, với đầy đủ số liệu, dữ liệu, nhất là khi thế giới chưa hiểu hết tính phức tạp của vius SARS-CoV-2.

Ðến nay, thế giới đã có một số loại vaccine phòng Covid-19, tuy được phát triển trong một thời gian ngắn, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng khẩn cấp, nhưng tất cả các bước nghiên cứu, thử nghiệm đều được thực hiện theo các tiêu chí của WHO để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả. Chính vì thế, Bộ Y tế chưa cấp phép khẩn cấp đối với Nanocovax do vaccine này đang thử nghiệm đợt đầu của giai đoạn ba, với số lượng nhỏ (1.000 người). Các dữ liệu hiện tại cho thấy, vaccine Nanocovax an toàn, có tính sinh miễn dịch, nhưng hiệu lực bảo vệ vẫn đang trong thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và chưa có số liệu. Theo các nhà chuyên môn, ngoài tính sinh miễn dịch thì số liệu về tỷ lệ bảo vệ của vaccine đối với các trường hợp nhiễm và mắc bệnh (hiệu lực bảo vệ) rất quan trọng.

Các thử nghiệm phải chứng tỏ được sau khi tiêm vaccine thì mẫu huyết thanh của các tình nguyện viên đã tiêm vaccine có khả năng trung hòa được các biến thể của vius SARS-CoV-2 và tỷ lệ phần trăm số người tiêm vaccine được bảo vệ trước mầm bệnh so với nhóm đối chứng không được tiêm vaccine là bao nhiêu. Hiện nay, với vaccine phòng Covid-19, WHO yêu cầu hiệu lực bảo vệ phải trên 50%, có vaccine đạt tới 80% - 90%. Do vậy, thúc đẩy nghiên cứu vaccine Covid-19 không có nghĩa là bỏ qua các giai đoạn nghiên cứu và cần có sự đánh giá của cơ quan quản lý về tính an toàn, hiệu quả của vaccine trên cơ sở số liệu khoa học.

Một vấn đề đáng quan tâm là không ít người đã trì hoãn việc tiêm chủng vaccine nhập khẩu để chờ đợi vaccine sản xuất trong nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, cũng như không có vaccine nào an toàn tuyệt đối. Hiện, các vaccine Covid-19 lưu hành ở Việt Nam đều đã được đánh giá tính an toàn, hiệu lực bảo vệ, được WHO khẳng định và khuyến cáo sử dụng để phòng, chống Covid-19.

Thực hiện thông điệp 5K là giải pháp đầu mùa dịch, còn khi dịch diễn biến phức tạp như hiện nay thì cần có thêm biện pháp tiêm vaccine phòng bệnh. Thực tế ở nhiều nước đã cho thấy vaccine là giải pháp hàng đầu. Do đó, không nên kén chọn mà mất cơ hội sớm được tiêm vaccine bảo vệ.