Bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng người dân

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Ba ngày qua, số ca mắc mới đã tăng từ 3 lên 4 con số mỗi ngày; tăng rất mạnh ở các tỉnh, thành phố phía nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Tháp... Mặc dù hàng loạt các biện pháp ứng phó dịch được triển khai, nhưng kết quả không như kỳ vọng.

Sinh viên tình nguyện Trường đại học kỹ thuật y tế Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm tại Trường THCS Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: VÕ MẠNH HẢO)
Sinh viên tình nguyện Trường đại học kỹ thuật y tế Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm tại Trường THCS Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: VÕ MẠNH HẢO)

Ðể ngăn chặn dịch, ngoài sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế thì các địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn. Tại cuộc họp với bảy tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Hơn một năm qua, cả nước thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và Việt Nam là một trong số ít nước có mức tăng trưởng dương. Mục tiêu ấy vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện, tuy nhiên khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, công tác chống dịch, bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân cần được các địa phương coi là nhiệm vụ hàng đầu. Việc giữ vững thành quả chống dịch là tiền đề quan trọng nhất để phát triển kinh tế.

Trong số những địa phương đang có dịch thì TP Hồ Chí Minh hiện là điểm nóng nhất, khi chiếm khoảng 1/3 tổng số ca mắc trong cả nước. Dịch đã bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, địa phương có mối liên hệ mật thiết. Ðiều đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết là thành phố cần có giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình. Bài toán hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để sớm trở lại bình thường mới, bảo đảm sự phát triển lâu dài đã được đặt ra và cần tìm lời giải.

Tại cuộc họp chiều 7/7, lãnh đạo thành phố đã thông báo áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn địa bàn thành phố trong thời gian 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9/7. Ðây là quyết định phù hợp tình hình dịch tiếp tục lan rộng, số người mắc tăng, trong khi mật độ dân số rất cao, mức độ giao thương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều thách thức.

TP Hồ Chí Minh đã chọn phương án hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Do vậy, nhiều ý kiến nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh cần tận dụng triệt để những ngày thực hiện giãn cách xã hội để khống chế các ổ dịch. Cần có những giải pháp huy động tổng lực (huy động thêm lực lượng của Bộ Y tế, các địa phương) tập trung cắt đứt các nguồn lây, xử lý triệt để các ổ dịch. Có như vậy, thành phố mới sớm có thể trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố cũng nâng mức cảnh giác, chấp nhận ảnh hưởng đến kinh tế, áp dụng những biện pháp phòng dịch ở mức cao. Nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ở quy mô nhỏ hơn, linh hoạt hơn cho thấy việc bảo vệ sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu, chấp nhận những khó khăn, hạn chế tạm thời trong phát triển kinh tế.

Như Hà Nội, do kiểm soát được Covid-19 nên đã nới lỏng một số dịch vụ. Tuy nhiên thành phố xác định không buông lỏng kiểm tra việc thực hiện quy định chống dịch, mà siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Hà Nội yêu cầu không tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng; các cơ sở dịch vụ, nhà hàng ăn uống trong nhà thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày...

Trước diễn biến phức tạp của dịch tại khu vực phía nam, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các địa phương và các bộ, ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.