Cùng suy ngẫm

Ðấu thầu thuốc chữa bệnh

NDO -

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế chi trả cả chục nghìn tỷ đồng (năm 2012 là khoảng 25 nghìn tỷ đồng) tiền thuốc, chiếm khoảng 60% tổng chi phí khám, điều trị bệnh. Vì vậy, vấn đề mua thuốc của các cơ sở khám, chữa bệnh cần bảo đảm đạt hai yếu tố chất lượng và giá cả. Thời gian qua, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều quy định, hướng dẫn, nhưng đến thời điểm này chung quanh việc đấu thầu thuốc vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Ảnh minh họa (sggp.org.vn)
Ảnh minh họa (sggp.org.vn)

Trong khi chất lượng thuốc luôn được bảo đảm thì giá thuốc vẫn đang là bài toán khó. Do chưa có đấu thầu quốc gia  cho nên mỗi địa phương đấu thầu một kiểu, với 63 tỉnh, thành phố có tới vài trăm đến hơn một nghìn hội đồng đấu thầu thuốc. Thống kê của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), giá trị tiền thuốc trúng thầu theo hướng dẫn mới (Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế) tại một số địa phương đều giảm hàng chục tỷ đồng so với năm trước. Phân tích kết quả trúng thầu của bảy sở y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới cho thấy: So sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỷ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy, số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỷ đồng, tương đương với 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này. Do vậy cần áp dụng việc đấu thầu theo hướng dẫn mới cho tất cả các địa phương, đơn vị (cả nước vẫn còn khoảng 30 tỉnh, thành phố chưa thực hiện đấu thầu mua thuốc theo thông tư mới đó).

Từ thực tế nói trên, bên cạnh việc siết chặt công tác đấu thầu, các cơ quan chức năng cần có những chế tài kiểm soát giá thuốc chặt chẽ hơn. Hiện nay, Luật Dược chỉ giao cho Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc, làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có những nội dung nêu ra trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đến nay chưa được triển khai. Trong khi đó, quản lý giá thuốc cần có sự phối hợp đa ngành và có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của các cơ quan tham gia quản lý giá thuốc. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một tổ chức cấp quốc gia hoặc liên bộ có đủ thẩm quyền và đầy đủ công cụ để thực hiện chức năng quản lý giá thuốc (Bộ Y tế đề xuất thành lập Hội đồng liên ngành về quản lý giá thuốc).

Lâu nay, các bệnh viện thực hiện mua thuốc theo hình thức đấu thầu và theo hướng dẫn của Luật Ðấu thầu. Thuốc chữa bệnh là một trong những mặt hàng đặc biệt nhưng đang thực hiện đấu thầu giống như mua xi-măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác. Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII vừa qua, trong buổi thảo luận về dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu kiến nghị cần có một luật riêng về đấu thầu thuốc. Nếu đấu thầu giá thuốc được tiến hành theo một cơ chế chặt chẽ sẽ tiết kiệm khoảng 20% giá thuốc như hiện nay.

Một vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước là cần giám sát chặt chẽ, đó là sau khi thực hiện hướng dẫn mới về đấu thầu thuốc thì giá hạ và khả năng chất lượng cũng hạ theo. Ðiều này hoàn toàn có thể xảy ra vì các nhà cung cấp lựa chọn những thuốc của các nhà sản xuất không có uy tín và chính những nhà sản xuất lựa chọn nguyên liệu chất lượng không cao để hạ giá thành sản phẩm. Vì vậy, cần sớm có tiêu chí xét nguồn nguyên liệu làm thuốc trong đấu thầu để ngăn chặn những loại thuốc thành phẩm chất lượng không cao vẫn có thể trúng thầu vì cạnh tranh về giá.

Thực hiện tốt việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện sẽ đạt được hai yêu cầu vừa bảo đảm chất lượng vừa bảo đảm giá cả phù hợp.