Nông dân bị ép giá, thương lái kiếm lời cao

NDO - Sau những thiệt hại từ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, những ngày này, người chăn nuôi lại thêm một phen lao đao vì giá bán sản phẩm giảm sâu, thậm chí xuống dưới mức giá thành. Tại khu vực Ðông Nam Bộ, giá gà công nghiệp có thời điểm đã giảm chạm "đáy", còn 13 nghìn đồng/kg, tức chỉ bằng 50% giá thành sản xuất; giá thịt lợn hơi bán tại trại cũng chỉ từ 38 đến 39 nghìn đồng/kg. Sản phẩm làm ra bán không đủ bù chi, thua lỗ kéo dài khiến không chỉ các hộ chăn nuôi "treo" chuồng mà nhiều trang trại chăn nuôi với quy mô lớn cũng buộc phải giảm đàn. Nguy cơ thiếu thực phẩm trong những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 là hiện hữu.

Nhìn nhận một cách căn cơ thì các yếu tố như dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, hay giá thức ăn, thuốc thú y, vật tư luôn đứng ở mức cao, cùng với tình trạng "khát" vốn đầu tư sản xuất... khiến ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu con giống gia súc, gia cầm, thực phẩm giá rẻ vẫn chưa được ngăn chặn một cách triệt để cũng góp phần làm cho người chăn nuôi càng thêm điêu đứng.

Vì vậy, để có thể vực dậy ngành chăn nuôi, bảo đảm cho người nuôi có lãi mà người tiêu dùng lại không bị thiệt vì giá cao, hơn lúc nào hết rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc triển khai những chính sách hỗ trợ hữu hiệu, nhất là giải pháp "gói tín dụng" hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi. Ðược biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp bộ, ngành hữu quan đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2010/NÐ-CP (ngày 4-6-2010) của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó cho phép các HTX, trang trại chăn nuôi được hưởng chính sách ưu đãi và xúc tiến xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ an toàn. Tuy nhiên, để tự cứu mình, người chăn nuôi không nên quá ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà cần tìm mọi cách giảm giá thành sản xuất; chủ động hơn trong việc thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn, phòng, chống dịch bệnh; hợp tác chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia súc, gia cầm và các loại thực phẩm giá rẻ.

Về lâu dài, cần triển khai ngay việc tái cơ cấu, tổ chức ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất gắn với hệ thống giết mổ, phân phối thực phẩm, sao cho người chăn nuôi tiếp cận được gần nhất với người tiêu dùng. Theo đó, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ phải cùng liên kết, tạo thuận lợi trong việc vừa mua được thức ăn giá rẻ, vừa bớt đi những đầu mối thu mua nhỏ lẻ, hạn chế tình trạng người chăn nuôi bị ép giá, trong khi đó thương lái gia súc, gia cầm lại kiếm siêu lợi nhuận. Ðồng thời, Nhà nước cũng cần tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về cung - cầu  nguồn thực phẩm trong và ngoài nước, để người chăn nuôi có định hướng rõ ràng trong đầu tư, xác định quy mô và phân khúc thị trường phù hợp cho sản phẩm làm ra.