Giảm tác động tiêu cực từ việc tăng viện phí

NDO - Chính sách viện phí được thực hiện từ năm 1995 đến nay trở nên lỗi thời, cho nên việc thay đổi là hợp lý. Chính phủ cũng đã nhất trí để ngành y tế cùng các ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh tăng giá 350 dịch vụ y tế. Dự kiến, chính sách viện phí mới sẽ được áp dụng từ đầu năm 2012. Chính vì vậy, trước khi trình Chính phủ, các ngành liên quan cần phải tính toán, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu từ việc điều chỉnh đó.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc điều chỉnh lần này không làm ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người đã có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 62% số dân cả nước (dự kiến 2012 có khoảng 65 đến 70% dân số sẽ tham gia BHYT) gồm người làm công ăn lương, người hưu trí, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới sáu tuổi. Vì chi phí khám, chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả,  kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Như vậy, cần tính toán tác động của điều chỉnh giá đối với khoảng hơn 30% số dân chưa có thẻ BHYT, trong đó có 15% số dân rơi vào đối tượng cận nghèo, còn lại là lao động tự do. Mặc dù được hỗ trợ khá nhiều, người cận nghèo chỉ phải đóng từ 5 đến 20% viện phí, nhưng nếu viện phí tăng đến 10% thì cũng không phải là số tiền nhỏ. Ðó là chưa kể những người ở nông thôn, người lao động tự do chưa tham gia BHYT không may bị bệnh nặng vào viện điều trị, phải chịu chi phí cao sẽ trở thành người nghèo và là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ðồng thời với tăng viện phí, cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người cận nghèo. Ðây là những đối tượng dễ bị tác động khi có những điều chỉnh dù là nhỏ. Theo các nghiên cứu, cần tăng hỗ trợ mua thẻ đối với nhóm cận nghèo từ 50%  giá trị thẻ BHYT như hiện nay lên 70%; hỗ trợ học sinh, sinh viên mua thẻ BHYT. Như vậy vừa góp phần giảm gánh nặng cho người dân khi không may phải vào bệnh viện, vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Theo thống kê của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với mức giá viện phí mới sẽ đẩy mức chi của quỹ BHYT mỗi năm thêm từ 12 đến 15 nghìn tỷ đồng. Khi giá viện phí tăng mà phí BHYT không tăng, nguy cơ vỡ quỹ BHYT là rất dễ xảy ra. Vì thế, cần tính toán mức tăng hợp lý, vừa nằm trong khả năng chi trả của người bệnh vừa không bị vỡ quỹ BHYT. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Bộ Y tế cần kiểm soát chặt chẽ chi phí tại các cơ sở y tế, tránh lạm dụng thuốc, sử dụng kỹ thuật không cần thiết trong điều trị, quản lý tốt giá thuốc và kiểm soát chặt danh mục thuốc.

Một vấn đề được người dân nói chung và người bệnh nói riêng rất quan tâm là viện phí tăng thì chất lượng các dịch vụ y tế; chất lượng khám, chữa bệnh có tăng? Khi Bộ Y tế chưa xây dựng được tiêu chí điều trị tốt thì khó đánh giá đúng chất lượng điều trị. Vì vậy, ngành cũng như các bệnh viện phải triển khai đồng bộ và quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh. Khi giá viện phí được điều chỉnh tăng theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí thì nguồn kinh phí nhà nước cấp cho ngành y tế cần chuyển sang cho người bệnh thông qua các chính sách hỗ trợ (mua thẻ BHYT, thành lập các quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh...).

Tăng viện phí là cần thiết, nhưng phải có biện pháp hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và bảo đảm an sinh xã hội.