Cửa ô Hà Nội qua những chặng đường lịch sử

Hình ảnh 5 cửa ô đã quá quen thuộc và trở thành biểu tượng của Hà Nội. Qua thời gian, thành phố đã có nhiều đổi thay, và hiện nay chỉ còn duy nhất Ô Quan Chưởng là còn tồn tại. Nhưng câu chuyện về những cửa ô Hà Nội vẫn giữ nguyên sự hấp dẫn đối với bất cứ thế hệ nào, dù đã rất nhiều thế hệ đi qua và chứng kiến sự thăng trầm của những cửa ô.

Hà Nội từng có 21 cửa ô

Một câu hỏi quan trọng mà nhiều người luôn đặt ra khi nói về các cửa ô, là Hà Nội có tất cả bao nhiêu cửa ô?

Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Thành Thăng Long - Hà Nội được xây dựng theo kiểu “tam trùng thành quách” (nghĩa là có ba vòng thành bao bọc lẫn nhau). Vòng thành ngoài cùng rộng lớn nhất (Đại La thành) vốn là một lũy đất mượn thế theo dòng chảy của các con sông (Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu) mà các triều đại phong kiến Việt Nam dựng lên với chức năng vừa chống ngập lụt vừa làm chức năng quân sự.

Tuy nhiên, phải đến đầu thời Mạc (do bối cảnh lịch sử), vòng thành Đại La được xây dựng một cách kiên cố hơn với thành đất, lũy tre và hào nước bảo vệ. Theo sử sách ghi chép, năm 1749, chúa Trịnh Doanh đã cho đắp một tòa thành đất bao bọc khu hoàng thành Thăng Long, chung quanh bên ngoài có hào nước sâu cắm chông bảo vệ. Trên thân thành đất mở ra 8 cửa để cho người dân qua lại. Kiến trúc mỗi cửa được thiết kế gồm một cửa chính và hai ô cửa phụ hai bên, trên cửa có vọng lâu canh gác. Tất cả 8 cửa đều có kích thước, hình dạng giống nhau.

Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức. (Ảnh: TTLTQG 1)

Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức. (Ảnh: TTLTQG 1)

Từ “Cửa ô” trong tiếng Việt vốn được dịch từ Ô môn 塢門 trong tiếng Hán. Từ “môn” có nghĩa là “cửa”. Từ “ô” được cấu tạo bởi hai bộ phận: bộ phận chỉ ý (là bộ thổ) và bộ phận chỉ âm (ô). Theo các từ điển: Khang Hi tự điển, Từ nguyên, Từ hải, Hán ngữ từ điển đều giải thích ý nghĩa của từ “ô”, còn âm đọc là “ổ” là: khu đất trũng, chung quanh đắp cao tạo thành vật che chắn; là nơi cư trú của các loại vật (như ổ gà, ổ chó); là lũy đất bao vây làng xóm để ngăn chặn sự xâm phạm từ bên ngoài vào (thôn ổ, trúc ổ). Từ “ô” còn có ý nghĩa là cửa giao tiếp từ bên trong với bên ngoài.

Quang cảnh phố Jean Dupuis xưa. (Ảnh: EFEO - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)

Quang cảnh phố Jean Dupuis xưa. (Ảnh: EFEO - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)

Tên gọi các cửa ô là căn cứ vào tên các thôn xã có cửa ô đặt vào. Mỗi cửa ô lại có đặc trưng riêng biệt nên bên cạnh đó còn có tên gọi dân gian như cửa ô Thịnh Quang còn gọi là ô Cầu Dừa.

Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác. Một điểm đặc biệt khác là, phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch. Phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa ra sông Tô Lịch; lối ra sông Hồng có 11 cửa. Lý do là bởi thời đó, đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông. Dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài đã tập trung tại đây.    

Dưới triều Nguyễn, Thăng Long - Hà Nội biến đổi về vai trò và nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch không gian.

Theo “Bắc thành dư địa chí” soạn hồi đầu thế kỷ XIX, Hà Nội từng có 21 cửa ô. Khi nhà Nguyễn hạ cấp kinh thành Thăng Long xuống chỉ còn là Bắc thành thuộc tỉnh Hà Nội, số cửa ô chỉ còn 16.

“Bắc thành địa chí” của Tổng trấn Chất tổ chức biên soạn dưới thời Minh Mạng văn bản địa chí chính thức nói đến cửa ô.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý

Trong bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm 1831 có ghi vị trí và tên của 16 cửa ô. Ngoài ra, trên tòa thành đất bao bọc vòng ngoài còn xác định được 2 cửa ô là Trung Hiền (ở ngã tư Bạch Mai - Đại La - Trương Định - Minh Khai) và cửa ô Tây Dương (ở trước cây cầu Giấy bắc qua sông Tô).

Một góc chợ Bưởi xưa. (Ảnh: EFEO - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)

Một góc chợ Bưởi xưa. (Ảnh: EFEO - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)

Nhưng đến bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866, đời vua Tự Đức thì chỉ còn 15 Cửa ô và không còn Cửa ô Nhân Hòa. Điều đáng chú ý là nhiều cửa ô đã mang tên mới: Yên Hoa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long (hoặc Cựu Lâu), Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào. Tên gọi các cửa ô được đặt theo tên các thôn xã ở đó nên số lượng và tên gọi các cửa ô cũng thay đổi theo tên các làng xã xưa ở Hà Nội.

Và số lượng 15 cửa ô vẫn giữ nguyên trên bản đồ Hà Nội năm 1873, tên các cửa ô được thể hiện bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp và được đánh số từ 01 đến 15.

Sự biến thiên của những cửa ô

Theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, năm 1888, người Pháp đã hợp thức hóa việc chiếm khu vực Hà Nội bằng cách ép vua Đồng Khánh ra chỉ dụ cắt đất cho họ để lập khu nhượng địa và gọi là thành phố Hà Nội. Như vậy ngoài tỉnh Hà Nội thành lập thời Minh Mạng còn có thành phố Hà Nội thuộc Pháp. Địa giới thành phố Hà Nội (thuộc Pháp) hẹp hơn địa giới kinh đô Thăng Long cũ, bắt đầu từ dốc Yên Hoa (nay là Yên Phụ) theo chiều kim đồng hồ xuống đến Cơ Xá Nam (tương ứng với cảng Hà Nội hiện nay), sau đó vòng ra cửa ô Thanh Bảo (tương ứng với khu vực bến xe Kim Mã) rồi vòng trở lại dốc Yên Hoa.

Để bảo vệ an ninh của thành phố nhượng địa Hà Nội, năm 1889 chính quyền Pháp thành lập khu “ngoại thành” Hà Nội gồm các xã của huyện Vĩnh Thuận và một số xã của huyện Thanh Trì. Cụ thể là từ Yên Phụ vòng ra Nhật Tân, chạy ra Cầu Giấy theo sông Tô Lịch đến khu vực Lương Yên ngày nay. Từ khi lập ra khu “ngoại thành”, chính quyền Pháp lập thêm đồn chốt ở các con đường chính từ ngoại thành dẫn vào trong phố. Các chốt chính được lập tại chợ Bưởi, Cầu Giấy, đầu phố Yên Hoa, ngã tư Vọng và đầu phố Bạch Mai ngày nay. Họ cấm, không cho ăn mày ăn xin vào trong phố, kiểm tra thẻ của những người lao động tự do vào làm công trong nội đô, ai không có thẻ là không cho vào.

Khi người Pháp bắt đầu xây dựng thành phố Hà Nội, họ đã nhiều lần nhắc đến bức lũy Đại La xây năm 1749 để xác định giới hạn quy ước của đô thị Hà Nội. Lá thư của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Đốc lý Hà Nội ngày 30/12/1889 đã nhấn mạnh: “Bức lũy cũ phải được coi như giới hạn của thành phố”. Chúng cũng là những con đê cao hơn phố chung quanh, nhưng nay đã bị bạt đi khá nhiều như: Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, La Thành, Giảng Võ, Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám… với tổng chiều dài 16 km. Các cửa ô qua dãy lũy này có vai trò quan trọng để các nhà quy hoạch xác định hướng giao thông chính và vùng dân cư, đồng thời trở thành nét đặc trưng của Hà Nội.

Thời gian trôi đi, địa giới hành chính, quy hoạch cũng như thời gian thay đổi đã dần lấp bỏ những cửa ô. Nhiều cửa ô ban đầu đến nay chỉ còn cái tên trong ký ức, ngay cả nhiều cửa ô còn lại đến hiện tại cũng chẳng còn ý nghĩa thuở xưa.

Ngày nay, theo biến thiên của thời gian, các cửa ô của Thăng Long- Hà Nội gần như không còn dấu tích, chỉ còn lại duy nhất ô Quan Chưởng (tên chữ Hán là Đông Hà môn).

Thiết kế cửa ô thể hiện trên bản đồ Hà Nội năm 1885. (Ảnh: EFEO - TTLTQG 1)

Thiết kế cửa ô thể hiện trên bản đồ Hà Nội năm 1885. (Ảnh: EFEO - TTLTQG 1)

Bản đồ Hà Nội năm 1873. (Ảnh: EFEO - TTLTQG 1)

Bản đồ Hà Nội năm 1873. (Ảnh: EFEO - TTLTQG 1)

Bản đồ Hà Nội năm 1890. (Ảnh: EFEO - TTLTQG 1)

Bản đồ Hà Nội năm 1890. (Ảnh: EFEO - TTLTQG 1)

Chuyện về một số cửa ô

Ô Cầu Giấy

Tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 cho biết, qua bao biến động của lịch sử cùng với những tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy, trong đó phải kể đến việc người Pháp quy hoạch xây dựng quanh khu vực ô Cầu Giấy và phá bỏ cửa ô này vào năm 1893.

Một cửa ô cũ của Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20. (Ảnh: TTLTQG 1)

Một cửa ô cũ của Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20. (Ảnh: TTLTQG 1)

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Phúc, Ô Cầu Giấy là một cửa ô xẻ qua tòa thành đất bao quanh khu đông dân cư ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Vị trí Cửa ô này thuộc làng Thanh Bảo nên có tên là Ô Thanh Bảo. Từ thế kỷ XIX để thuận tiện cho giới kinh doanh giấy ở trong nội thành nên dân làng giấy ở Yên Hòa đã dựng ở cửa ô những cái lán bày giấy để bán thường gọi là những cái cầu hàng giấy. Do đó tên cửa ô Thanh Bảo cũng gọi là cửa ô Cầu Giấy. Chữ Cầu ở đây là cầu bán hàng (cầu chợ) chứ không mang nghĩa là cây cầu bắc qua sông. Vị trí ô Cầu Giấy là ở chỗ bến xe ô tô Kim Mã (bến này đã bị bỏ đi từ khi có bến xe Mỹ Đình) là giao điểm của phố Sơn Tây và phố Nguyễn Thái Học ngày nay.

Cầu Giấy, quận mang tên cửa ô ngày trước.

Cầu Giấy, quận mang tên cửa ô ngày trước.

Số phận thăng trầm của cửa ô Cầu Giấy thực sự bắt đầu khi mà chính quyền Hà Nội muốn tìm một khu đất đủ rộng và phù hợp để quy hoạch nghĩa trang người Âu. Trong cuộc họp ngày 27/6/1891, Hội đồng thành phố Hà Nội đã quyết định lựa chọn một khu đất rộng gần ngay cửa ngõ Sơn Tây (tức ô Cầu Giấy) để làm khu nghĩa địa này:

Theo thời gian, cửa ô Cầu Giấy xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị đổ, nguy hiểm cho người dân hàng ngày qua lại, cơ quan chuyên chuyên môn đã đề nghị Thành phố phá bỏ cửa ô này.

 “Một cái thành đất không cao lắm. Bên cạnh một cái tường nhỏ, trên mặt tường đường xe ngựa đi, ngoài hàng rào che kín mít. Dưới chân tường hào sâu. Trong hào thả chông xem ra rất kiên cố. Thành ba vọng canh, nơi nào cũng lính sắp hàng, gươm súng sáng quắc”.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mô tả về Cửa Ô Chợ Dừa, năm 1782

Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng là di tích cửa ô duy nhất còn lại cho đến ngày nay. Cổng xây có vọng lâu được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên, trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Cửa ô được xây theo lối tam quan, với biển đề chữ Hán “Đông Hà môn”.

Ô Quan Chưởng hồi đầu thế kỷ 20. (Ảnh: TTLTQG 1)

Ô Quan Chưởng hồi đầu thế kỷ 20. (Ảnh: TTLTQG 1)

Cửa ô này được xây năm 1817 trên nền đình Thanh Hà được di dời (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý), Còn theo một số tài liệu khác, Ô Quan Chưởng được xây dựng từ thời Lê, năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), và là cửa ô cuối cùng còn sót lại của thành Thăng Long cũ.

Thời xưa, ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận phường Đông Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài tám chục mét. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành. Ngày nay, Ô Quan Chưởng nằm ở đầu phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, gần chân cầu Chương Dương.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, có tới ba giả thuyết khác nhau về tên gọi:
1. Có Quan Chưởng ấn lập dinh gần cửa ô.
2. Có Quan Chưởng cơ đóng ở gần cửa ô.
3. Có Quan Chưởng cơ hy sinh khi chống Pháp năm 1873.

Ông Dương Ngọc Sán, 81 tuổi, sống trên phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm, cũng là một trong những người có nhiều năm sống ở gần Ô Quan Chưởng và có nhiều kỷ niệm gắn bó với địa danh này.

Ông Sán chia sẻ, bản thân mình khá may mắn khi được chứng kiến thời khắc đoàn quân giải phóng tiến về giải phóng Thủ đô trong ngày 10/10/1954.

Ô Quan Chưởng. (Ảnh: Thư viện KHXH - TTLTQG 1)

Ô Quan Chưởng. (Ảnh: Thư viện KHXH - TTLTQG 1)

Ông nhớ lại: “Khi ấy, tôi mới ở tuổi thiếu nhi. Ngôi nhà cũ của tôi nằm trên đường Phố Huế. Chính vì thế, tôi đã có được tận mắt nhìn thấy các chiến sĩ quân đội của chúng ta tiến vào đường phố Hà Nội vào thời khắc đó. Dù còn nhỏ, nhưng tôi nhớ cảm giác lúc đó rất hào hứng. Tôi, bạn bè, người thân của mình thấy các anh bộ đội, xe của quân đội đi qua thì ùa ra reo hò mừng rỡ. Người dân đổ ra đón đoàn quân tiến về Hà Nội rất đông”.

Một buổi chợ nhỏ họp ngay dưới Ô Quan Chưởng. (Ảnh: Thư viện KHXH - TTLTQG 1)

Một buổi chợ nhỏ họp ngay dưới Ô Quan Chưởng. (Ảnh: Thư viện KHXH - TTLTQG 1)

Và cũng như một cơ duyên, khi ông Sán đã sống gần Ô Quan Chưởng gần 65 năm, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm, phát triển của cuộc sống và con người ở đây. Nhớ lại, vào những năm 60 của thế kỷ trước, khu vực này khá vắng vẻ. Trên phố Trần Nhật Duật gần Ô Quan Chưởng lúc đó chỉ có rất ít cửa hàng, với một vài hãng nước mắm nổi tiếng như nước mắm Vạn Vân, cửa hàng bán muối. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc của Mỹ diễn ra từ năm 1965-1973, địa bàn gần Ô Quan Chưởng cũng là khu vực trọng điểm bị đánh phá do Mỹ liên tục quần đảo cầu Long Biên khá dữ dội. Nhiều dãy phố ở đây đã ở trong tình trạng “vườn không nhà trống”, người dân phải đi sơ tán hết.

Ô Quan Chưởng ngày nay.

Ô Quan Chưởng ngày nay.

Từ thời kỳ đổi mới năm 1986 trở đi, phố xá ở đây trở nên nhộn nhịp hơn bởi sự phát triển theo nhu cầu của đời sống xã hội. “Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng dấu tích Ô Quan Chưởng vẫn được gìn giữ tốt”, ông Sán nhận xét.

Biểu tượng 5 cửa ô

PGS, TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét: “Cửa ô Hà Nội đã đi vào thi ca nhạc họa, là ký ức, lịch sử chứng kiến nhiều đổi thay của Thăng Long Hà Nội. Hình ảnh cửa ô khắc sâu trong ký ức của bao thế hệ người Hà Nội dù ở Hà Nội hay đi khắp bốn phương”.

Ô Đống Mác ngày nay.

Ô Đống Mác ngày nay.

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, sự thực là Hà Nội có khá nhiều cửa ô, nhưng con số 5 vẫn trở thành một số đếm mang tính quy ước, giống như “36 phố phường”, những con số được biểu tượng hóa để trở thành biểu tượng của Hà Nội. Có nhiều đô thị ở nước ta có thành quách, thậm chí có vòng la thành với các cổng vào, nhưng chỉ Hà Nội mới gọi là cửa ô.

Lý giải cho biểu tượng này, nhà văn Nguyễn Trương Quý đề cập đến ý niệm số đếm tương ứng với phương vị của địa lý nằm trong văn hóa trong các tập hợp hệ thống của người phương Đông.

Báo Nhân Dân ngày 11/10/1954 viết về các cánh quân tiếp quản Thủ đô qua 5 cửa ô chính.

Báo Nhân Dân ngày 11/10/1954 viết về các cánh quân tiếp quản Thủ đô qua 5 cửa ô chính.

Cụ thể, về mặt phương vị thời Nguyễn, Hà Nội ở vào trung tâm khu vực đồng bằng và bán sơn địa Bắc Bộ, với mặt phía bắc và đông giáp với sông Hồng tiếp nối đi lên Kinh Bắc tới tận ải Nam Quan và về miền Hải Phòng - Quảng Yên, mặt phía nam là con đường thiên lý xuyên Việt, mặt phía tây bắc đi lên miền Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang (“Sơn Hưng Tuyên”), mặt phía tây nam đi về Hòa Bình - Sơn La, lên Tây Bắc và sang Lào, tạo ra hình thái 5 ngả đường, và đây cũng là cơ sở cho những sự phát triển giao thông thời thuộc địa.

Hình ảnh 5 cửa ô đã được các văn nghệ sĩ đưa vào các tác phẩm của mình như một biểu tượng ước lệ, có gắn với biểu tượng sao vàng 5 cánh. Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý trích dẫn: “Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô” (Ba Đình nắng, Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch, 1947).

Tiêu biểu nhất là bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao được sáng tác vào năm 1949. Ca khúc này được đánh giá như một lời tiên đoán về thời khắc giải phóng Thủ đô, với những lời ca hào hùng mãi âm vang trong lòng công chúng: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón chào nở năm cánh đào/Chảy dòng sương sớm long lanh”.

Hay họa sĩ Tạ Tỵ với bài thơ “Thương về năm cửa ô xưa” viết năm 1955:
“Tôi đứng bên này vĩ tuyến
Thương về năm cửa ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút Chợ Dừa
Cầu Dền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa…
Cửa ô ơi cửa ô
Năm ngả đường đất nước”.

5 cửa ô tiêu biểu: Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa

Hình ảnh những đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô qua 5 cửa ô cũng được ghi lại trong các bản tin liên quan đến ngày 10/10/1954. Bào Nhân Dân ngày 11/10/1954 viết: "Các đơn vị chủ lực của quân đội nhân dân ở đường đê La Thành từ 3 giờ chiều hôm qua, đã chia làm nhiều cánh tiến vào 5 cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. (Bài "Ngày 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu hoàn toàn Thủ đô Hà Nội").
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, những cửa ô xưa giờ đã không còn dấu tích, trừ Ô Quan Chưởng. Ngày nay, thay cho những cửa ô cũ là những con đường đông đúc, những đại lộ rộng thênh thang. Thành phố đã mở rộng hơn gấp nhiều lần ngày xưa, và đã trải qua nhiều bước phát triển.

Quân đội Việt Nam trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN - TTLTQG 1)

Quân đội Việt Nam trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN - TTLTQG 1)

Ông Đào Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Lưu trữ Quốc gia (Bộ Nội vụ) cho biết, dấu tích của các cửa ô xưa đã chứng kiến rất nhiều phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô. Cửa ô xưa là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm, biến đổi; và đây cũng là nơi chứng kiến hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về trong ngày 10/10/1954.

Cho đến ngày hôm nay, Hà Nội đã từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch mới. Thủ đô Hà Nội hôm nay cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999), là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (30/10/2019).

Cửa ô trước kia vốn là một kiến trúc rất nhỏ bé trong tổng thể các công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhưng lại lưu giữ trong mình một câu chuyện thật dài của Hà Nội, về lịch sử, chính trị, văn hóa, đời sống xã hội. Cho đến nay, những gì còn lại của các cửa ô không chỉ là lịch sử, mà còn là sự nhắc nhớ để thế hệ hiện tại thêm trân trọng quá khứ và giữ gìn những điều còn lại đó cho tương lai.

Cửa ô Hà Nội hôm nay

Ô Cầu Dền ngày nay đã trở thành ngã tư Bạch Mai - Đại Cồ Việt - Phố Huế - Trần Khát Chân.

Ô Cầu Dền ngày nay đã trở thành ngã tư Bạch Mai - Đại Cồ Việt - Phố Huế - Trần Khát Chân.

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn giữ lại dáng vẻ xưa cũ, nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ô Cầu Giấy nằm ở bến xe ô tô Kim Mã (bến này đã bị bỏ đi từ khi có bến xe Mỹ Đình) là giao điểm của phố Sơn Tây và phố Nguyễn Thái Học ngày nay.
Ô Cầu Dền nằm ở ngã tư lớn nối phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.
Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu.
Ô Chợ Dừa là điểm giao cắt của 6 tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa.

Xuất bản ngày 18/10/2024
Tổ chức sản xuất: MINH VÂN
Nội dung: LINH KHÁNH - NGÂN ANH
Tư liệu: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1
Trình bày: ĐỖ QUYÊN
Ảnh: HÀ NAM, Tư liệu