Cộng đồng
các dân tộc Việt Nam

Ngày 2/3/1979, Tổng cục Thống kê nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố, nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm hơn 85,4% tổng dân số toàn quốc, là một dân tộc được hình thành tại khu vực địa lý mà ngày nay thuộc miền bắc Việt nam. Là tộc người làm ruộng nước, trong nghề trồng lúa, chủ yếu tập trung ở các vùng đồng bằng, có điều kiện tiếp thu và sử dụng các ứng dụng khoa học, có kinh nghiệm đắp đê, đào mương trị thủy rất giỏi; có nghề đánh bắt cá trên sông, biển thành thạo và phát triển; có nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề nuôi gia súc, gia cầm và các nghề thủ công gốm, sứ, mộc có từ rất sớm. Người Kinh có tập quán ăn trầu cau, hút thuốc lào, thuốc lá, uống nước chè, nước vối… Đây là nét văn hóa đặc trưng của người Kinh gắn liền với đồ ăn, thức uống được mời mỗi khi khách đến nhà.

53 dân tộc còn lại được gọi là thiểu số, chiếm khoảng 14,6% tổng dân số cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống thành cộng đồng, đan xen với nhau và với dân tộc Kinh. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I theo trình độ phát triển vùng các dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (87,3%), thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các dân tộc thiểu số hiện nay sinh sống khắp các vùng miền của cả nước nhưng chủ yếu vẫn ở các vùng miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền núi phía bắc (khoảng 6,7 triệu người), Tây Nguyên (khoảng 2 triệu người), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung (1,9 triệu người), Tây Nam Bộ (1,4 triệu người); dân số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Một số dân tộc, như: Khmer, Chăm, Hoa sinh sống tập trung ở vùng đồng bằng và các đô thị (Trung Bộ và Nam Bộ...), các dân tộc thiểu số còn lại sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi có địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt; giao thông đi lại rất khó khăn; chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai thường hay xảy ra, gây hậu quả lớn (hạn hán, bão, lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, mưa đá, rét hại, xâm nhập mặn...). Đây cũng là vùng kinh tế-xã hội có xuất phát điểm thấp, đời sống vật chất và tinh thần còn có khoảng cách so với mặt bằng chung của cả nước.

Trong các dân tộc nước ta hiện nay có nhóm thiểu số đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: sự phân hóa xã hội ngày càng khốc liệt, chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng, các giá trị văn hóa truyền thống có xu hướng mai một nhanh chóng, chất lượng nguồn nhân lực thấp, dẫn đến các dân tộc ít có khả năng tiếp cận những lợi thế của sự phát triển khoa học-công nghệ. Các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào vào các hoạt động chống đối, gây mất an ninh, trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Những vấn đề này đã, đang và sẽ tiếp tục tác động ảnh hưởng không tốt đến đời sống của cộng đồng các dân tộc, đe dọa sự phát triển bền vững của các vùng dân tộc nước ta.

Item 1 of 3