Bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN

NDO -

Ngày 16-6, đã diễn ra Hội nghị Nhóm Tư vấn Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 12 (AIPA Caucus 12) theo hình thức trực tuyến, với các nội dung: tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đồng AIPA 41; tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối thương mại.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị AIPA Caucus 12.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị AIPA Caucus 12.

Tham dự Hội nghị từ điểm cầu tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm Trưởng đoàn, đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện các Nghị quyết “Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19”, “Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với Covid-19”, “Vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”.

Bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN -0
Đoàn đại biểu các nước tham dự hội nghị.  

Tại Hội nghị, Đoàn đại biểu Việt Nam cũng đã trình bày báo cáo quốc gia về tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối thương mại, trong đó tập trung vào những tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống dẫn tới sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trong thị trường, khiến khả năng xuất khẩu và thương mại giảm sút nghiêm trọng.

Báo cáo trên còn đề cập đến việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm xuyên biên giới; việc đẩy mạnh mua và tiêm vaccine phòng dịch; tăng cường hợp tác Nghị viện hướng tới giảm thiểu rủi ro, đẩy mạnh khả năng phục hồi kinh tế trong đại dịch; khẳng định quyết tâm hợp tác nghị viện nâng cao khả năng tự cường của ASEAN.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, đồng chí Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế tại hội nghị đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối thương mại trong ASEAN.

Trong đó, tiêu biểu có các giải pháp: tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng; thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do, tăng cường giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư, thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế.

Đồng thời, thiết lập các phương thức mới trong thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và xúc tiến thị trường; duy trì các cam kết mở cửa thị trường, tránh áp dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan không cần thiết; tăng cường phát triển thị trường khu vực, nhất là trong xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh; tận dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.