Công đoàn Hà Nội - nòng cốt trong các phong trào thi đua của Thủ đô

Song Liên đoàn lao động thành phố đã nhanh chóng ổn định tổ chức, cán bộ; xây dựng quy chế làm việc, thực hiện thống nhất các cơ chế hoạt động chung; ổn định trụ sở làm việc của Liên đoàn lao động thành phố, các công đoàn ngành và các đơn vị trực thuộc để mọi hoạt động được triển khai liên tục, có hiệu quả.

Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

Các cấp công đoàn đã tổ chức cho cán bộ đoàn viên tham gia ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan người lao động. Ðầu năm, công đoàn phối hợp chính quyền các cấp chỉ đạo cơ sở tổ chức hội nghị công nhân, viên chức. Thông qua các hội nghị, đã phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người lao động, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn.

Công đoàn đã tham gia Ban chỉ đạo sắp xếp doanh nghiệp nhà nước hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp chuyên môn tham gia xây dựng phương án chuyển đổi doanh nghiệp, xây dựng Ðiều lệ công ty, hướng dẫn công nhân, lao động mua cổ phần ưu đãi, tham gia phân loại lao động, xác định và thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư. Ðồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai chương trình hành động của công đoàn thực hiện Chỉ thị 22/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về "Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp", tích cực, chủ động giải quyết tranh chấp lao động. Ðứng trước tình hình công nhân, lao động bị mất việc làm do suy giảm kinh tế, Liên đoàn lao động thành phố đã ra nghị quyết chuyên đề, đề ra nhiều biện pháp công đoàn tham gia tạo việc làm cho người lao động. Trong đó, đã chủ động phân công các cán bộ nắm tình hình lao động mất việc làm, nhu cầu việc làm và khả năng tuyển dụng lao động của từng doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu việc làm, tư vấn đào tạo lại nghề cho công nhân, lao động, tổ chức bốn Hội chợ việc làm. Kết quả, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 25.700 người, trong đó hơn 10 nghìn lao động mất việc được tuyển dụng trở lại.

Các cấp công đoàn thường xuyên phối hợp chặt chẽ các ngành: Thanh tra, lao động, bảo hiểm xã hội kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động ở 2.314 doanh nghiệp, đơn vị. Trong đó, Liên đoàn lao động thành phố cùng các ngành trực tiếp kiểm tra tại 65 doanh nghiệp, truy thu 54 tỷ đồng về Bảo hiểm xã hội thành phố.

Trong Tuần quốc gia về "An toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ" năm 2009, các cấp Công đoàn đã phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra 675 doanh nghiệp về công tác An toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, tổ chức huấn  luyện an toàn vệ sinh lao động cho công nhân, lao động trong các doanh nghiệp ở các khu công nhân tập trung, thăm hỏi và tặng quà gia đình công nhân, lao động bị tai nạn lao động có hoàn cảnh khó khăn; đôn đốc các cơ sở tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, viên chức, lao động để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nghề nghiệp.

Công đoàn các cấp đã tổ chức, hướng dẫn công nhân, viên chức, lao động xây dựng các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Kết quả đã cho công nhân, viên chức, lao động vay 35,303 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo việc làm cho hơn 3.380 lao động với mức thu nhập tăng bình quân từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Hoạt động xã hội từ thiện được các cấp công đoàn đẩy mạnh nhằm góp phần chăm lo sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, trong đó quan tâm đối tượng công nhân trẻ tại các khu công nghiệp và chế xuất. Trung tâm công tác xã hội Công đoàn Hà Nội đã phối hợp các cấp công đoàn vận động cán bộ, công chức các Trung tâm y tế, bệnh viện tổ chức khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho hơn 3.000 công nhân trong các khu công nghiệp với cơ số thuốc trị giá gần 400 triệu đồng. Quỹ xã hội Công đoàn đã trợ cấp kịp thời gần hai tỷ đồng cho các đối tượng công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, trong đó trợ giúp 1,580 tỷ đồng để cải tạo, xây mới 80 "Mái ấm Công đoàn". Vận động các doanh nghiệp và công nhân, viên chức, lao động đóng góp Quỹ "Vì người nghèo", Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa", ủng hộ công nhân, viên chức, lao động các quận, huyện bị ngập lụt và các tỉnh bị thiên tai mưa lũ, hỗ trợ xây dựng các điểm vui chơi cho nhiều trường mầm non của các quận, huyện... với tổng số tiền 15,673 tỷ đồng.

Tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp

Các cấp công đoàn đã phối hợp chính quyền, phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, được đông đảo công nhân, viên chức, lao động tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội quan trọng. Liên đoàn lao động thành phố tổ chức Lễ phát động và ký giao ước giữa các khối, quận, huyện, ngành và Tổng công ty thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo". Kết quả đã có hơn 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát động thi đua, trong đó phong trào thi đua phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi Thủ đô", thi đua "Sáng kiến, sáng tạo" đã phát triển sâu rộng, nhiều hội thi tay nghề, thao diễn kỹ thuật được tổ chức, động viên đông đảo công nhân, lao động tích cực phấn đấu rèn luyện tay nghề, lao động với năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ðã có 23.933 cá nhân và 1.619 tập thể được công nhận "Người tốt, việc tốt", 6.488 công nhân, viên chức, lao động đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 487 người đạt Chiến sĩ thi đua thành phố và 49 người đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Có 2.942 cơ sở tổ chức hội thi thợ giỏi với 58.275 lượt công nhân, lao động được công nhận đạt danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp cơ sở, 3.659 công nhân, lao động đạt danh hiệu "công nhân giỏi" cấp quận, huyện, ngành. Liên đoàn lao động thành phố đã tổ chức tuyên dương 248 công nhân, lao động đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô". Có 50.354 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất và công tác làm lợi hơn 150 tỷ đồng, được thưởng  3,130 tỷ đồng.

Các cấp công đoàn vận động công nhân, viên chức, lao động hoàn thành 319 công trình sản phẩm chào mừng Ðại hội Công đoàn các cấp và Ðại hội X Công đoàn Việt Nam, trong đó 137 công ty được khen thưởng, 81 công trình gắn biển, chín công trình trị giá 341,4 tỷ đồng được gắn biển chào mừng Ðại hội XIV Công đoàn thành phố.

Phong trào "Giỏi việc nước - đảm việc nhà", "Mẹ lao động giỏi - con học giỏi", "Gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu" được đẩy mạnh, đã có 147.561 nữ công nhân, viên chức, lao động đăng ký đạt danh hiệu năm 2009. Sơ kết ba năm 2006 - 2008, có 3.011 tập thể và 126.108 cá nhân đạt danh hiệu "Giỏi việc nước - đảm việc nhà", 32.863 cặp mẹ con đạt danh hiệu "Mẹ lao động giỏi - con học giỏi", 75.873 lượt gia đình công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 29.280 gia đình công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu tiêu biểu cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, 200 gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu xuất sắc được Liên đoàn lao động thành phố biểu dương, 99 tập thể, cá nhân được Liên đoàn lao động thành phố, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng khen.

Phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn

Các cấp công đoàn thành phố chú trọng công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở. Kết quả, đã thành lập 362 công đoàn cơ sở và kết nạp 31.155 đoàn viên. Chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở cũng đã được nâng lên, tỷ lệ công đoàn cơ sở vững mạnh đạt 46%, vững mạnh xuất sắc đạt 34%, trung bình 4% và yếu kém còn 1%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở được quan tâm. Trường đào tạo cán bộ Công đoàn Hà Nội đã phối hợp các Ban chuyên đề và các đơn vị tổ chức 59 lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho 7.100 cán bộ công đoàn, bốn lớp đào tạo dài hạn và trung hạn cho cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động.

Công đoàn đã coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện các nghị quyết, chương trình công tác của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Công đoàn các cấp đã đề ra. Ðồng thời, phối hợp Liên ngành Thanh tra, Bảo hiểm xã hội, Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố kiểm tra 90 doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động. Những đơn vị có liên quan quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đã được Công đoàn các cấp tham gia giải quyết kịp thời và thực hiện việc đôn đốc, giám sát bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, nhờ vậy đã giải quyết cho 1.100 người được trở lại làm việc, bốn người được hạ mức kỷ luật và 2.624 người được giải quyết các quyền lợi khác.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động Thủ đô còn có những tồn tại, hạn chế.

Phong trào thi đua ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng kịp thời sự chuyển biến về kinh tế - xã hội. Phong trào thi đua trong một số cơ quan hành chính sự nghiệp chưa rõ nét; các doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hưởng ứng phát động thi đua tỷ lệ còn thấp, hiệu quả chưa cao. Công tác biểu dương, động viên khen thưởng ở một số đơn vị chưa kịp thời.

Công tác tuyên truyền, giáo dục tuy có đổi mới nhưng chưa đáp ứng kịp tình hình và đặc điểm của từng đối tượng công nhân, viên chức, lao động; việc nắm bắt và giải quyết kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động nhìn chung còn có những hạn chế.

Công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở còn chậm so với tốc độ thành lập của các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế. Chất lượng hoạt động ở nhiều công đoàn cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thu kinh phí công đoàn các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức Hội nghị người lao động và ký thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt tỷ lệ thấp, còn hình thức, việc thực hiện quy chế dân chủ ở nhiều cơ sở còn hạn chế.

Hoạt động của không ít công đoàn cơ sở chất lượng thấp, công đoàn cơ sở một số nơi chưa tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy Ðảng, chưa xây dựng được quy chế phối hợp chính quyền chuyên môn và các đoàn thể quần chúng để tổ chức đồng bộ phong trào công nhân, viên chức, lao động, cán bộ Công đoàn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp.

Còn nhiều chủ doanh nghiệp và lãnh đạo một số đơn vị chưa coi trọng vai trò của tổ chức công đoàn, chưa thật sự quan tâm phong trào thi đua và nhận thức đầy đủ về hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước của công nhân, viên chức, lao động ở cơ sở, chưa ủng hộ việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở.

Hiệu lực quản lý nhà nước về lao động và công đoàn hạn chế, pháp luật về người lao động chưa được người sử dụng lao động thực hiện nghiêm.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước diễn ra nhanh chóng và toàn diện, tình hình suy giảm kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn tới kinh tế nước ta và Thủ đô dẫn đến nguy cơ mất và thiếu việc làm của người lao động. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và khu chế xuất, cụm, điểm công nghiệp, số lượng công nhân, viên chức, lao động, trong đó các thành phần kinh tế tăng nhanh, song chất lượng lao động còn bất cập. Vì vậy, tổ chức công đoàn phải không ngừng đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, sáng tạo nhiều hình thức phong phú để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp để tập hợp phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở để chăm lo, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.