Công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại xã Việt Hùng tỉnh Thái Bình

NDO -

Chiều 7-12, ông Đặng Hồng Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) ký quyết định số 7120 công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Việt Hùng.

Xã Việt Hùng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã phải tiêu hủy hơn 13 tấn lợn chỉ trong một thời gian ngắn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát
Xã Việt Hùng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã phải tiêu hủy hơn 13 tấn lợn chỉ trong một thời gian ngắn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát

Đây là địa phương bùng phát dịch vào ngày 9-10 và tính đến hết ngày 15-11 có 58 hộ chăn nuôi ở sáu thôn buộc phải tiêu hủy tổng số 642 con lợn các loại. Trong đó, lợn đực giống, lợn nái là 51 con; lợn thịt, lợn choai, lợn sữa là 591 con. Tổng số lợn tiêu hủy có tổng trọng lượng hơn 13 tấn.

Xã Việt Hùng đã triển khai 29 đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng, sử dụng 264 lít hóa chất huyện cấp; hơn 720 lít hóa chất dân tự mua và khoảng 17 tấn vôi bột.

Thời điểm đầu, việc phòng, chống dịch của huyện Vũ Thư chưa hiệu quả nên đích thân Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đã về tận xã Việt Hùng kiểm tra trong chiều ngày 27-10. Tại đây, đồng chí yêu cầu lãnh đạo huyện xác định rõ nguyên nhân tại sao để dịch bùng phát mạnh như hiện nay.Bên cạnh đó, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ huyện Vũ Thư phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình,  nếu để dịch lây lan ra diện rộng.

Từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp mạnh, đồng bộ, khoanh vùng dập dịch, trong đó chú trọng kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn nên tình hình dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt hơn.

Tuy nhiên, việc để dịch phát sinh đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, tác động xấu đến phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nên hiện nay huyện Vũ Thư yêu cầu xã Việt Hùng tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, không để tái bùng phát trở lại.

Được biết, toàn xã hiện còn 1.719 con lợn, có bảy gia trại, hộ chăn nuôi có qui mô trên 50 con. Điều lo lắng chính là thói quen nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các gia đình nên rất khó kiểm soát vấn đề dịch bệnh.