Con số biết nói

Cách đây một năm, vào ngày 9-12-2019, Văn phòng Chính phủ đã khai trương hoạt động Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), như một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng Chính phủ điện tử.

Tính đến nay, Cổng đã tích hợp hơn 2.500/6.798 thủ tục hành chính (TTHC) tại bốn cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 37%, vượt chỉ tiêu được giao 5%), với hơn 92 triệu lượt truy cập, hơn 390 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 612 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng. Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng là hơn 6.700 tỷ đồng/năm. Còn các hệ thống thông tin trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính hơn 8.500 tỷ đồng/năm và nhận được phản hồi tích cực của xã hội, tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Ðể hiểu rõ hơn tính hiệu quả, xin được đưa ra câu chuyện của ngành điện, một trong những ngành vốn phải chịu nhiều điều tiếng về sự "độc quyền thành cửa quyền". Ở thời điểm khai trương Cổng, dịch vụ cấp điện mới qua lưới điện trung, hạ áp được lựa chọn nằm trong số những dịch vụ công đầu tiên được tích hợp. Chỉ 15 ngày sau đó, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) hoàn thành tích hợp 12/12 dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng. Tiếp đó, đến tháng 8 năm nay, ngay sau khi "Nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG" được hoàn thành, EVN cũng là đơn vị đầu tiên chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện đã được tích hợp trên Cổng sang nền tảng này theo đúng mô hình thiết kế…

Muốn đạt được khối lượng công việc như trên, trước hết phải tiến hành cải cách, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong dịch vụ điện, EVN đã thực hiện rà soát lại quy trình và loại bỏ các giấy tờ như Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân và thay thế bằng các thông tin trên website giao dịch trực tuyến và thông tin người dùng đã được Cổng xác thực. Bên cạnh đó, trong quy trình kinh doanh của EVN cho phép bổ sung giấy tờ còn thiếu (nếu có) khi thực hiện khảo sát hoặc thi công tại địa điểm của khách hàng nên Ðiện lực có thể thực hiện chụp ảnh hồ sơ và kiểm chứng các thông tin này ngay tại địa điểm của khách hàng. EVN cũng đã đẩy mạnh việc triển khai cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử để thiết lập trải nghiệm điện tử trên toàn bộ hành trình trải nghiệm các dịch vụ điện của khách hàng. Sau một năm tích hợp, EVN đã cung cấp 100% các dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng DVCQG. Các dịch vụ điện chiếm tỷ lệ 77,16% số lượt yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương được người dân và doanh nghiệp (DN) thực hiện trên Cổng DVCQG.

Về việc thực hiện cập nhật, công khai, quản lý dịch vụ của EVN trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, EVN đã thực hiện khai báo danh mục 100% các dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 đã được tích hợp với Cổng DVCQG lên trên hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ công quốc gia tại website do Văn phòng Chính phủ cung cấp, các dịch vụ điện của EVN đều được công bố trên Cổng DVCQG.

Kết quả của một năm đầu tiên rất đáng ghi nhận, nhưng chưa thể vội hài lòng. Muốn thúc đẩy Cổng DVCQG ngày càng thân thiện và thuận lợi hơn nữa, đòi hỏi những nỗ lực cao hơn từ nhiều phía, chẳng hạn như cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế xác thực điện tử tài khoản người dùng của Cổng bằng các nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Hay sớm triển khai kết nối các dịch vụ công giữa các bộ/ngành/địa phương để tạo cơ chế "một cửa liên thông". Ðó là con đường ngắn nhất để tiếp tục cắt, giảm các hồ sơ, thủ tục tạo thuận lợi cho người dân và DN, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.