CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA

TRONG CẢI CÁCH

MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Qua kết quả điều tra PCI 2022 vừa công bố mới đây có thể thấy những nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các địa phương trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Điều này đã giúp môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện, vị trí nền kinh tế Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên.

Tuy nhiên, rất cần những đánh giá, nhìn nhận thực tế của các địa phương nhằm sớm khắc phục những yếu kém còn tồn tại; đặc biệt cần sớm hoá giải các “nỗi sợ” của công chức, nhất là ở cấp địa phương và doanh nghiệp như: sợ làm sai quy định, sợ trách nhiệm, sợ thanh tra, kiểm tra và truy cứu trách nhiệm hình sự,…

Với những biến động khó đoán trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, nhu cầu thị trường sụt giảm nghiêm trọng thì dư địa cho cải cách vẫn còn khá nhiều. Các doanh nghiệp vẫn rất cần trợ lực từ những gói hỗ trợ, những biện pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp. Theo đó, chất lượng thực thi chính sách ở các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn. 

Nếu như PCI năm 2021, chỉ có khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” thì PCI năm 2022 chỉ số này tăng lên mức 45,2%. Tương tự, 50,4% doanh nghiệp cho rằng “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, cao hơn đáng kể so với kết quả 36% trong PCI năm 2021.
(Nguồn: Báo cáo PCI 2022)

Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra thách thức lớn nhất trong triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh chính là thay đổi tư duy, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức. Và để tạo ra được điều này, vấn đề cốt lõi chính là tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền địa phương.

Chia sẻ từ thành quả 6 năm liên tiếp dẫn đầu PCI, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, chỉ số PCI là những “con số biết nói”, cho thấy sự nỗ lực của Quảng Ninh trong hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số, sự thay đổi từ nhân tố con người. Quảng Ninh xác định cải cách chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.

Quảng Ninh xác định cải cách chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh NGUYỄN XUÂN KÝ

Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân.

KỊP THỜI NHẬN DIỆN
"ĐIỂM NGHẼN"

Lãnh đạo Quảng Ninh luôn chủ động nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, cũng như những khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp gặp phải để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy "chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ". Đồng thời, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương.

Nguyễn Xuân Ký
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH
CẢI CÁCH

Nhiều chỉ số thành phần trong PCI 2022 của tỉnh Đồng Tháp được doanh nghiệp đánh giá tích cực như: tiếp cận đất đai (đứng thứ nhất), tính minh bạch (đứng thứ nhất), chi phí thời gian (đứng thứ 3). Tính chung về xếp hạng PCI, đây là sự nỗ lực không hề nhỏ của Đồng Tháp trong việc vươn lên vị trí xếp hạng thứ 5/63 địa phương.

Để đạt được thành công đó, ngay từ đầu năm 2022, Đồng Tháp đã chủ động nhận diện các khó khăn, thách thức và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tới các ngành, các cấp. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, động viên tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh thông qua việc duy trì các mô hình cafe doanh nhân, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp để lắng nghe thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,…

Đồng Tháp vẫn chưa thực sự hài lòng về chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý, trong khi an ninh trật tự và chi phí không chính thức đang có dấu hiệu tăng trở lại. Đây là dư địa mà tỉnh cần đẩy mạnh cải cách trong thời gian tới.

Phạm Thiện Nghĩa
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Dưới góc độ của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan thừa nhận, dù lãnh đạo cấp cao nhất ở địa phương rất quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm cao nhất và bằng nhiều nỗ lực trong điều hành để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng đâu đó ở cấp sở, ngành, huyện, thị cũng đang còn nhiều vấn đề hạn chế với việc giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân như: né tránh trách nhiệm, “đá bóng” vấn đề, còn “cát cứ” trong lĩnh vực quản lý của mình; chưa triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ.

Vì vậy, vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa mong muốn lãnh đạo địa phương tiếp tục tăng cường đôn đốc cấp dưới trong thực thi các hoạt động hành chính; Chính phủ có thêm chỉ đạo về hỗ trợ tài chính thông qua các gói tín dụng ưu đãi; tiếp tục có giải pháp giảm thuế, phí phù hợp; nhanh chóng điều chỉnh triệt để hành lang pháp lý về thị trường trái phiếu; tăng cường giám sát, điều tiết về tín dụng, tránh rủi ro cho toàn thị trường và doanh nghiệp,…

Đồng thời, yêu cầu nêu cao tinh thần chịu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành khi đưa ra những văn bản, quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho địa phương trong quá trình triển khai. Có như vậy mới tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực đất đai, sớm loại bỏ các rào cản “giấy phép con”, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp cùng phát triển.

TĂNG CƯỜNG ĐỐI THOẠI
VỚI DOANH NGHIỆP

Đối với các sở, ngành, cấp địa phương cần chú trọng hơn nữa trong việc đơn giản hóa, tạo minh bạch về thủ tục hành chính, duy trì sự ổn định của chính sách; khắc phục bất cập do mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật; thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo địa phương trong việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như tăng cường hoạt động đối thoại với doanh nghiệp.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc để nâng cao năng lực tài chính, chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng đội ngũ nhân sự, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, về tín dụng nói riêng, bảo đảm sử dụng nguồn vay an toàn, hiệu quả để gia tăng cơ hội thành công của mình.

Cao Tiến Đoan
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

LẤY LẠI ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Chúng ta có thể thấy, dự địa cho cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ các bộ, ngành và địa phương trong việc giảm thiểu nhũng nhiễu tiêu cực, khắc phục những bất cập và hạn chế đã được chỉ ra.

Tuy đã có rất nhiều các biện pháp được đưa ra, nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp khi đang còn một khoảng cách từ chính sách đến thực thi tương đối xa. Để triệt tiêu sự nhũng nhiễu, cần hình thành cơ chế ngăn chặn, với những tiêu chuẩn về sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được đặt lên đầu.

Bên cạnh đó duy trì cải cách môi trường kinh doanh gắn liền phục hồi, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật và xây dựng bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy.

Tuy nhiên, để lấy lại đà tăng trưởng bền vững, môi trường kinh doanh Việt Nam cần có thuốc đặc trị cho căn bệnh kháng cự cải cách, cũng như có sự thích ứng linh hoạt để vượt qua những khó khăn trong bối cảnh phức tạp...

Trần Thị Hồng Minh
Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Do đó, muốn nền kinh tế có điều kiện để phục hồi và phát triển sau một giai đoạn cực kỳ khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, định hướng các địa phương mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Có biện pháp xử lý những địa phương để nảy sinh tiêu cực, bất cập, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ, các văn bản cấp Luật, Nghị định.

Đồng thời, Chính phủ cần minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, có sự tham vấn ý kiến và quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thống nhất các tiêu chí điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Các địa phương cần công khai minh bạch mọi thủ tục, sớm đưa chính quyền điện tử vào hoạt động.

Muốn nền kinh tế có điều kiện để phục hồi và phát triển sau một giai đoạn cực kỳ khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, định hướng các địa phương mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thực tế cho thấy, những nhóm thủ tục hành chính nào có sự tiến bộ đáng kể các năm qua đều nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện trên môi trường điện tử. Nhiều thủ tục nay đã nhanh và minh bạch hơn rất nhiều, không phải bởi con người thay đổi, mà bởi công nghệ đã thay thế con người.

Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách một cách thực chất mới mang lại môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, hấp dẫn với doanh nghiệp, giúp tạo ra sự định hướng phát triển, vượt qua khó khăn trong tương lai.

Ngày xuất bản: 22/4/2023
Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ
Nội dung: MINH DŨNG
Trình bày: DIỆP ANH
Ảnh: TRẦN HẢI, VCCI và CTV