Còn đấy những nhớ thương

NDO -

NDĐT - Cuộc sống cuốn đi. Có những lúc tưởng lòng chai sạn. Thế mà cứ cãi cữ 23 tháng Chạp trở ra, ta bỗng trở thành một người khác. Ta vẫn cứ cập rập, vội vàng để gói ghém những việc năm cũ. Nhưng cũng lúc ấy, đang có một cuộc hành hương lặng lẽ trong lòng, về với nguồn cội, với những nhớ thương...

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Chẳng ai có thể phủ nhận Tết nay đã khác Tết xưa. Chỉ mấy mươi năm trước, từ đầu tháng Chạp, người phụ nữ trong nhà đã lo lắm. Nào cân miến, nào lạng mộc nhĩ, lạng măng, ít bóng bì… mỗi lúc tích dần một tí. Không khí Tết đến sớm hơn. Người người, nhà nhà háo hức. Cuộc sống quanh năm khó khăn. Cả năm có bao giờ được ăn bánh chưng đâu? Cả năm có ai dám gói cái giò xào đâu? Cả năm có bánh quy đâu? Tết đến trong sự mong chờ, hồi hộp và náo nức.

Giờ một buổi trong siêu thị người ta đã có đủ. Kể cả mâm cơm tất niên, hay cúng giao thừa, chỉ cầm máy điện thoại gọi là có người đem đến đầy đủ. Có người bảo đấy là thứ “Tết đồ hộp”. Thay vì lo toan sắm sanh đồ ăn, thức uống, phụ nữ giờ lo chuyện tóc tai, làm đẹp, chọn những đồ độc, món lạ. Phần nhiều là thứ đóng sẵn, khỏi phải mất công vào bếp. Tết thứ đau đầu nhất lại là ăn gì sao cho đỡ ngán.

Ấy thế mà, mặc sự đổi thay, cứ đến 23 tháng Chạp, dù là người hiện đại đến mấy, người ta cũng bỗng thành người khác…

Cận Tết, người Việt mình chẳng ai còn nhớ lịch dương. Ngoài chợ, trong công sở, các cô, các chị, các anh kháo nhau bằng lịch “các cụ”. Người ta nhẩm tính hăm mấy thì được nghỉ, hăm mấy đi gửi Tết nội ngoại, hăm mấy thì mua đào, sắm quất…

23 tháng Chạp là cái ngày “khởi động” cho cả mùa Tết. Dù mâm cao cỗ đầy hay trên ban thờ chỉ là những thứ đơn sơ mộc mạc, đã là người Việt những ngày này không thể thiếu nén nhang thơm. Bước vào nhà nào cũng thấy mùi hương trầm ngan ngát. Tôi thích đi trong những con ngõ nhỏ ở Hà Nội những ngày này. Cái không gian nho nhỏ như giữ mùi hương ở lại lâu hơn. Bỗng chốc, thấy thời gian như chậm lại. Nhiều người cẩn trọng, từ 23 cho đến khi hóa vàng, ngày nào cũng thắp nén nhang thơm lên ban thờ.

Trong cái se sắt cắt da, mùi hương thơm khiến người ta ấm lòng. Làn khói hương tựa như cái gạch nối giữa con người hiện tại, với thần linh, với ông bà, tổ tiên. Ngay cả người vô tâm, cũng khó tránh được những phút bồi hồi. Và hơn bất cứ lúc nào, dù vẫn cập rập, vẫn gói ghém những việc năm cũ, người ta bắt đầu sống lại những ký ức thân thương…

Đã là người Việt, ai cũng có cả kho kỷ niệm về Tết, nhất là những cái Tết xưa. Chuyện gói bánh, chuyện đụng thịt lợn, chuyện những lúc khốn khó, những ông bố, bà chờ đến tối 29, 30, khi tan buổi chợ mới mẹ lặng lẽ mua thịt về ăn Tết… Nhiều người có chung kỷ niệm về chuyện chuẩn bị bánh kẹo, miến dong cả tháng, ngày Tết bỗng không cánh mà bay vì… mất trộm. Điều tra, thì trộm chẳng đâu xa mà chính bọn trẻ trong nhà…

Những lúc như thế này, tôi hay mường tượng lại cái lần đầu bắt đầu ý thức được về đón Tết. Mẹ pha nồi nước bốc hơi nghi ngút và bảo tắm nước lá thơm mới được đón Tết. Mãi sau, tôi mới biết đó là lá mùi già. Bà ngoại tôi gọi tắm lá mùi già là “tẩy trần”. Tính bà tôi cẩn thận, giáp Tết, rét đến mấy bà cũng không bỏ cái lệ này. Vì sáng sớm hôm mùng 1 bao giờ bà cũng đi chùa. Tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh bà ngồi ngay bên nồi nấu bánh chưng hong tóc sau khi “tẩy trần” bằng nồi nước lá mùi già. Bà ngoại tôi mất trong một ngày giá rét giữa tháng Chạp. Nếu sống thêm ít ngày, bà lại có thêm một mùa tắm lá mùi già…

Có biết bao phong tục đã phôi pha theo năm tháng. Nhưng hình như, những phong tục liên quan Tết luôn được người Việt mình “bảo quản” một cách cẩn trọng nhất, dù là phố, dù là quê. Căn bếp chẳng mấy nhà còn “ông đầu rau”, nhưng không ai bỏ được tục cúng Táo quân. Cá chép bơi dưới nước, nhưng người Việt mình tin rằng nó đưa ông Táo về trời. Chẳng biết những tục lệ, những kiêng kỵ có đem lại linh nghiệm hay không, nhưng nhà nhà đều chọn người “xông đất”, đều tránh nói với nhau những câu nặng nề, đều kiêng quét nhà, đều tặng nhau những câu chúc tụng… Gác lại mọi lý luận, mọi lô-gic, bấy giờ là thời khác của những lễ cũ thói xưa.

Cuộc sống bận rộn cuốn chúng ta đi. Lắm lúc tưởng con người chai sạn. Nhưng Tết đã cho mỗi người trở về với bản thể, với cội nguồn, để lắng lại với những nhớ thương.