Cồn Cỏ - hòn ngọc giữa Biển Đông

NDO - Chỉ mất gần hai giờ đồng hồ khởi hành bằng tàu thủy từ Cửa Việt, bạn sẽ đặt chân lên đảo nhỏ, được mệnh danh là “hòn ngọc giữa Biển Đông”. Hòn đảo với tổng diện tích hơn 4.000 ha khi đảo nổi, hơn 2.000 ha khi đảo chìm, giữa bốn bề là biển, nhưng thật sự là “hòn ngọc” khi phủ trên mình là một thảm rừng xanh ngắt, cùng với hệ sinh thái rừng phong phú, hệ sinh vật biển và rạn san hô, cùng nhiều động, thực vật quý hiếm.
Bãi tắm trên đảo Cồn Cỏ.
Bãi tắm trên đảo Cồn Cỏ.

RỪNG GIỮA BIỂN

Hệ sinh thái rừng ba tầng trên đảo Cồn Cỏ được coi là hiếm ở Việt Nam bởi hòn đảo được kiến tạo từ núi lửa hàng triệu năm giữa biển khơi. Trải qua lịch sử hình thành, qua chiến tranh và sau hơn bảy năm thành lập huyện đảo, Cồn Cỏ vẫn giữ được vẻ hoang sơ hiếm có. Với hơn 70% diện tích là rừng, Cồn Cỏ cũng là nơi có nhiều loài thảo mộc quý hiếm. Đến Cồn Cỏ, bạn gặp cây bàng vuông, cây phong ba - những “biểu tượng” nơi đầu sóng của hải đảo tiền tiêu Tổ quốc. Trong khu rừng dày đặc, có những thân cổ thụ hai ba người ôm không xuể, vô vàn cây dây leo nở hoa khoe sắc dường như suốt bốn mùa. Con đường nhỏ bao quanh đảo chỉ chừng 5 km, cũng là một hành trình khám phá thú vị đối với hòn đảo này. Bắt đầu từ bến Nghèn, nơi có những cây bàng vuông to hai ba người ôm không xuể, du khách có thể xuôi theo dải rừng phong ba ven chân sóng để khám phá những điều thú vị của hòn đảo. Những hầm hào, công sự, dấu tích của một hòn đảo quân sự - từng là “chiến hạm” bất khả đánh bại trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng đồng thời là những di tích đưa du khách trở về quá khứ anh hùng của Cồn Cỏ. Trong một buổi sáng thanh bình đầy nắng trên đảo, chúng tôi bắt gặp từng tốp du khách say mê chụp ảnh từng loài côn trùng, cây cỏ, cùng những dấu vết di tích lịch sử, tự nhiên trên hòn đảo. Du khách còn có thể từ nơi cao nhất của ngọn hải đăng để ngắm rừng giữa biển. Ở đây, khi tia nắng đầu tiên của mặt trời vừa chạm đảo, bạn có thể quan sát từ trên cao khoảnh khắc thức dậy của muôn loài cây cỏ. Hoặc khi hoàng hôn buông xuống giữa bốn bề là biển, “hòn ngọc” nổi lên một mầu tím ngắt sau những tia nắng cuối ngày - những khoảnh khắc tuyệt vời quý giá.

KHU BẢO TỒN BIỂN ĐA DẠNG

Cồn Cỏ nổi tiếng gắn liền với truyền thuyết về loài san hô đỏ. Những người dân ở đảo tin rằng, trải qua những thăng trầm lịch sử, máu của những tiền nhân giữ đảo đã đổ xuống nhuộm thắm rạn san hô. San hô đỏ trở thành “báu vật” linh thiêng, cũng là sản vật quý hiếm để du khách lặn biển chiêm ngưỡng. Dải san hô bao quanh đảo từ độ sâu bốn mét trở lên, có nơi mật độ san hô dày, hình khối rất đẹp là lời mời gọi đối với những du khách ưa khám phá.

Theo thống kê khảo sát, hiện san hô ở đây có tới 109 loài, 42 giống, 15 họ, trong đó, san hô đỏ ở Cồn Cỏ là loài lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam. Rạn san hô ở Cồn Cỏ được đánh giá tốt về độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn chỉ sau đảo Phú Quốc, Côn Đảo và hòn Mun. Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ với tổng diện tích 4.532 ha theo loại hình bảo tồn loài, sinh vật cảnh gồm hệ sinh thái rạn san hô và các loài động, thực vật biển phong phú và quý hiếm như rong biển, sao xanh, hải sâm, dưa chuột biển và nhiều thuỷ, hải sản có giá trị khác... Đặc biệt, loài cua đá ở đây đang được đưa vào danh sách bảo tồn, cấm đánh bắt.

Sau những giờ đi bộ khám phá trong rừng, tìm về lịch sử Cồn Cỏ qua các di chỉ khảo cổ và những dấu tích quân sự, du khách đắm mình trong làn nước mát tại các bãi biển còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo. Bãi Nghè đẹp nhờ sự phong hóa của các tầng đá badan, những bãi đá phủ đầy rêu xanh. Còn bãi Hương Giang ở phía tây bắc của đảo lại hết sức độc đáo bởi vô số những viên đá tròn đen bóng như ngọc trai đen khổng lồ, nằm xếp bên cạnh bãi cát trắng mịn màng.

THỨC DẬY TIỀM NĂNG

Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh cho biết, quy hoạch phát triển tiềm năng du lịch đảo đã được các chuyên gia Cu-ba thực hiện ngay từ khi thành lập huyện đảo, năm 2004. Bản quy hoạch ấy đưa ra những nguyên tắc giữ rừng, phát triển du lịch theo hướng sinh thái cộng đồng, giữ nguyên vẻ hoang sơ và độc đáo của hòn đảo. Ngoài hệ sinh thái rừng và biển độc đáo, Cồn Cỏ còn có thể hấp dẫn du khách bởi nơi đây từng gắn liền với những huyền thoại chiến đấu bảo vệ đảo, là nơi che chắn cho đất liền trong những năm chiến tranh ác liệt. Dựa trên bản quy hoạch đó, cùng với những khảo sát điều chỉnh sau này, Cồn Cỏ đang biến giấc mơ từ một chiến hạm bất bại trong chiến tranh thành một điểm du lịch khám phá hấp dẫn thành hiện thực. Tuy nhiên, chặng đường đi còn dài. Nếu so với Lý Sơn hay Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ đầy tiềm năng nhưng thật sự chưa được phát triển như ý muốn.

Vào dịp tháng 4-2012, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đoàn khảo sát tour với các hãng lữ hành trong nước. Tuy nhiên, vì thiếu thốn phương tiện vận chuyển, chưa đủ cơ sở hạ tầng nghỉ dưỡng và đặc biệt, việc thiếu nước ngọt là một trong những hạn chế để các hãng lữ hành đưa du khách ra đảo. “Đối với du lịch cộng đồng, các điều kiện lưu trú, nghỉ dưỡng, khu vui chơi chỉ cần ở mức thiết yếu, nhưng chúng tôi vẫn không dám đưa khách ra đảo vì chưa biết đường đi nước bước thế nào...” - Ông Phạm Hoàng Phương, Giám đốc Công ty CP du lịch Đông Hà travel trăn trở.

Tuy nhiên, với những du khách ưa trải nghiệm và khám phá, ưa cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên, thì có lẽ không cần nhiều các tiện nghi và dịch vụ, Cồn Cỏ là một điểm đến tuyệt vời.

* Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đảo Cồn Cỏ là căn cứ quân sự nơi tiền tiêu Tổ quốc, nơi ghi dấu nhiều chiến tích của quân đội nhân dân Việt Nam. Hòn đảo hai lần được phong Anh hùng, ba lần được Bác Hồ viết thư khen.

Tháng 10-2004, Cồn Cỏ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Trị. Thời điểm đó, có 46 thanh niên tình nguyện ra đảo lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới, nên đảo có tên gọi “Đảo Thanh niên”. Sau bảy năm thành lập, huyện đảo cũng chỉ vỏn vẹn có 11 hộ dân, sống bằng hậu cần nghề cá và dịch vụ du lịch. Đảo chỉ có duy nhất một ngôi trường, đó là Trường mầm non Hoa Phong Ba, một lớp học cho 11 cháu từ một đến năm tuổi. Một số công trình cơ sở hạ tầng hiện đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, khiến hòn đảo mang dáng dấp một đô thị cấp huyện. Tuy nhiên, định hướng phát triển chủ yếu của đảo vẫn là du lịch sinh thái cộng đồng.