Cơn bĩ cực của “lục địa già”

Mối lo “dịch chồng dịch” cũng như tác động sâu rộng từ cuộc xung đột ở Ukraine đang đặt Liên minh châu Âu (EU) trước bờ vực suy thoái, bất chấp giới chức “lục địa già” đã mạnh tay chi ra nhiều gói cứu trợ và phục hồi kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: HEDGEYE
Biếm họa: HEDGEYE

Reuters ngày 12/8 dẫn một nghiên cứu do Viện kinh tế Đức (IW) công bố cho thấy, các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột Nga-Ukraine đang khiến nguy cơ suy thoái tại châu Âu tăng cao. Theo nghiên cứu trên, cách tiếp cận các cuộc khủng hoảng hiện nay của những nước châu Âu có thể dẫn đến “sự phân hóa trong phát triển kinh tế”, nhất là liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giữa các nền kinh tế vẫn đang tiếp diễn có nguy cơ đẩy EU đứng trước bờ vực suy thoái.

Năm 2021, EU đã thông qua gói viện trợ phục hồi sau đại dịch trị giá 800 tỷ euro (tương đương 826 tỷ USD). Trong đó, Tây Ban Nha và Italy - hai quốc gia chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất do dịch bệnh, nhận được khoản viện trợ không hoàn lại lớn nhất, lần lượt là 77 tỷ và 70 tỷ euro. Nghiên cứu cho biết, tuy gói viện trợ giúp tạo động lực cho đầu tư tư nhân trong khối, nhưng không hiện thực hóa được những kỳ vọng về khả năng phục hồi nhanh chóng hoặc phục hồi mạnh theo mô hình chữ “V”.

Các nước châu Âu chịu ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau và ở một số nước thành viên như Đức, Tây Ban Nha và Italy, chi tiêu tiêu dùng tư nhân hoặc sản xuất công nghiệp vẫn dưới mức trước khủng hoảng. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát vốn đã cao, EU còn chịu cú sốc về giá năng lượng, nên giá cả hàng hóa càng tiếp tục leo thang. Tỷ lệ lạm phát tại châu Âu đã chạm mức 9,6% trong tháng 6, trong đó các nước Estonia và Litva ghi nhận mức lạm phát cao nhất: hơn 20%.

Nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm hồi tháng 7. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, đây là lần đầu ECB tăng lãi suất trong 11 năm, song đây chỉ là bước mới nhất trong số các biện pháp đặc biệt mà ngân hàng này có thể sẽ áp dụng nhằm đối phó khủng hoảng.

Tuy nhiên IW cho rằng, việc tăng lãi suất khó có thể mang lại hiệu quả tức thời, trong khi các biện pháp của ECB thậm chí có thể làm tăng nguy cơ suy thoái. IW cảnh báo, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng còn tiếp diễn trên thế giới, các nền kinh tế lớn với tỷ trọng công nghiệp cao như Đức có thể bị bỏ lại phía sau, trong khi “các doanh nghiệp sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì nền kinh tế hiệu quả và cạnh tranh”.

Ngày 7/8 vừa qua, trả lời phỏng vấn báo Maaseudun Tulevaisuus, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho rằng, các nước EU sẽ phải đối mặt suy thoái kinh tế do cuộc xung đột Ukraine. Ông Niinisto nói: “Người dân Phần Lan và các nước EU khác sẽ phải quen với thực tế rằng nền kinh tế sẽ không còn tăng trưởng từ năm này qua năm khác. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự thống nhất của châu Âu, khi sự phát triển đột ngột dừng lại và số lượng thách thức tăng lên”. Tổng thống Phần Lan cũng khẳng định, các thành viên EU nên sớm thích nghi và đặc biệt là phải tăng cường khả năng tự cung tự cấp.

Nguy cơ suy thoái cũng có thể dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp dịch chuyển ra các nước bên ngoài EU để tìm kiếm cơ hội đầu tư ổn định hơn. Báo Deutsche Welle (DW) dẫn số liệu thống kê mới nhất cho thấy, suốt năm tháng liên tiếp, các nhà máy tại Đức nhận được ít đơn đặt hàng hơn so cùng kỳ năm ngoái. Số đơn đặt hàng trong tháng 6 đã giảm 0,4% so tháng 5. Mặc dù, đây chỉ là một mức giảm sút nhỏ song con số đó cộng với mức giảm 5,6% trong quý II là tương đối lớn.

Nhà kinh tế trưởng Jörg Krämer của Ngân hàng Commerzbank cho rằng, do tình trạng “thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các ngành công nghiệp của Đức vẫn tồn đọng một lượng đơn hàng lớn chưa thực hiện, song số đơn này không đủ để bảo vệ những doanh nghiệp trước những khó khăn kinh tế sắp tới. Ông Krämer nhận định: “Nguy cơ suy thoái đang gia tăng”.

Giới phân tích cho rằng, nguy cơ suy thoái ở EU không có khả năng nghiêm trọng như năm 2008 hoặc trong những tháng đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp căn cơ và kịp thời, EU sẽ chưa sớm thoát khỏi “cơn bĩ cực để đến hồi thái lai”.