Còn ai thương Hà Nội?

NDO -

NDĐT - Bây giờ, sẽ ra sao, không gian nhỏ bé của hồ Hoàn Kiếm sẽ "gánh" thêm một ga tàu điện ngầm? Theo đề xuất của thành phố Hà Nội, ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ nằm ngay sát khu vực Bút Tháp thuộc không gian đền Ngọc Sơn. Mỗi ngày sẽ có thêm hàng chục nghìn lượt người lên xuống. Và điều gì theo chân hàng chục nghìn lượt người ấy?...

Còn ai thương Hà Nội?

Tôi vẫn giữ thói quen đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, ngay cả khi công việc bề bộn. Gần như góc nào cũng tìm được nét đẹp lãng mạn mà cổ kính. Chẳng cần đến một ngày thu trong trẻo, hay sáng xuân mơ màng. Những ngày đông mưa rét, cái nền xám chỉ có mỗi tác dụng tôn hồ Hoàn Kiếm thêm cái vẻ đẹp liêu trai. Trong cái nắng hè gay gắt thì hồ Hoàn Kiếm cũng khiến lòng người dịu lại. Dẫu vậy thì chẳng ai có thể phủ nhận: không gian Hồ Hoàn Kiếm không còn được như xưa. Trong những ngày cuối tuần, khi lực lượng chức năng quản lý gắt gao nhất, hàng quán đủ loại vẫn cứ bát nháo. Góc này chào mời, chỗ kia níu kéo. Đôi khi tôi thấy tội cho mấy bạn trẻ đi gom rác. Vừa nhặt xong, rác lại xuất hiện ngay. Những thảm cỏ xanh cũng bị giày xéo vô tội vạ, chỉ vì nhu cầu chụp ảnh...

Bây giờ, sẽ ra sao, không gian nhỏ bé của hồ Hoàn Kiếm sẽ "gánh" thêm một ga tàu điện ngầm? Theo theo đề xuất của thành phố Hà Nội, ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ nằm ngay sát khu vực Bút Tháp thuộc không gian đền Ngọc Sơn. Mỗi ngày sẽ có thêm hàng chục nghìn lượt người lên xuống. Và điều gì theo chân hàng chục nghìn lượt người ấy? Nhìn vào thực tế văn minh đô thị ở Hà Nội nói chung và các bến tàu, bến xe nói riêng, hẳn chỉ có người vô cảm mới có thể yên tâm khi nghĩ về một nhà ga đông đúc nằm trong không gian lung linh huyền thoại này.

Hà Nội đã mở rộng hơn so với những năm trước nhiều lần. Như nhiều người bảo, Hà Nội có "tầm vóc" mới. Tầm vóc ấy gồm cả những khu đô thị mới cao vút, những ngôi làng dở dang trong tiến trình lên phố, gồm vùng nông thôn rộng lớn và cả trùng điệp núi non. Nhưng bạn sẽ chọn khu vực nào là đặc trưng cho Hà Nội? Tôi ngờ rằng, hàng thế kỷ sau nữa, câu trả lời vẫn thế. Hà Nội cứ phải là hồ Hoàn Kiếm, là những ô bàn cờ phố cổ, là những khuất khúc ngõ nhỏ, nơi ẩn giấu những nét duyên xưa. Vẫn cứ phải là những biệt thự cổ núp dưới những vòm xanh. Vẫn cứ phải là những Kẻ Láng, Kẻ Mọc, Kẻ Mơ, Kẻ Bưởi...

Phố cổ bây giờ nhọc nhằn lắm mới tìm được một nếp nhà mái ngói thâm nâu. Những tòa nhà cao tầng vẫn hối hả vươn lên, như sợ mình không cao thì hàng xóm vươn lên mất. Ồn ào, chật chội và đường chỗ nào cũng tắc. Bây giờ, chỉ những tay mơ mới “dám” yêu "Hà Nội Kẻ". Những rừng cao ốc dọc phố Lê Văn Lương của Kẻ Mọc, những tòa "trường thành" án ngữ bên hồ Tây của Kẻ Bưởi... Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy hơi thở nặng nề.

Những mỹ từ về tình yêu Hà Nội, về làm cho Hà Nội đẹp lên vẫn cứ được ban ra. Nhưng thực tế dường như toàn diễn ra ngược lại. Nếu chưa tin điều ấy thì cứ nhìn dòng xe đen đặc trên những con đường tứ bề đều tắc.

Trở lại với không gian “Hà Nội nhất” của Hà Nội. Tranh cãi về việc nhà ga C9 có vi phạm Luật Di sản Văn hóa hay không vẫn diễn ra. Chủ đầu tư dứt khoát bảo không, vì dù dự án xây dựng ra đời trước khi hồ Hoàn Kiếm được công nhận là Di tích quốc gia hạng đặc biệt. Giới nghiên cứu thì một mực cho rằng Di tích quốc gia đặc biệt thì không được xây dựng các công trình trong phạm vi bảo vệ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khuyến cáo, cần xây ga ngầm C9 lệch về phía đông, xa hồ Hoàn Kiếm nhiều hơn. Tranh luận đến giờ vẫn chưa ngã ngũ. Mọi thứ vẫn đang nằm trong hai từ “có thể”…

***

Cũng hai từ có thể, Hà Nội có thể đã khác bây giờ lắm, nếu người ta không ngấu nghiến xây thêm vô số những cao ốc khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Hà Nội có thể đã khác lắm, nếu dân cư Thủ đô cứ tăng vòn vọt, để rồi văn hóa Hà Nội thủa nào hòa loãng trong mười triệu cư dân. Và nếu những điều ấy không xảy ra, bây giờ, những người yêu Hà Nội có thể thung dung giới thiệu về vẻ đẹp của thành phố nghìn năm, thay vì gân cổ lên giải thích chuyện ngày xưa với những người khách lạ, khi Hà Nội nhận không thiếu những lời chê bai.